Xây dựng kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 tại các KCN, KCX

08:47' - 22/05/2021
BNEWS Việt Nam hiện có 369 khu công nghiệp tập trung, gần 30 khu cửa khẩu, chế xuất, tương đương 3,8 triệu lao động; gần 700 cụm công nghiệp với 600 nghìn lao động.

Những ngày qua, tại các khu công nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng... ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19. Đặc biệt, Bắc Giang và Bắc Ninh hiện là 2 điểm nóng về dịch COVID-19 hiện nay.

Quán triệt Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các địa phương nơi có nhiều khu công nghiệp đang tiếp tục kích hoạt tất cả các biện pháp phòng dịch lên mức cao nhất để đối phó với dịch bệnh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, cùng với việc theo dõi chặt chẽ các ổ dịch, quản lý chặt công nhân làm trong khu công nghiệp, hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cần nhanh chóng đưa các doanh nghiệp đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ sớm trở lại hoạt động, nhất là những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng lớn.

* Bắc Giang – Tâm dịch nóng của cả nước

Tỉnh Bắc Giang đang là tâm dịch, điểm nóng dịch COVID-19 của cả nước. Tỉnh hiện có 3 ổ dịch COVID-19, trong đó hai ổ dịch vẫn diễn biến phức tạp là ổ dịch tại Khu Công nghiệp Vân Trung (phần lớn là công nhân của Công ty Shin Young), ổ dịch tại Khu Công nghiệp Quang Châu (chủ yếu là công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hosiden Việt Nam).

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, đến nay sau khi đóng cửa 4 khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng; thực hiện cách ly xã hội huyện Việt Yên và ba xã: Nội Hoàng, Tiền Phong, Yên Lư của huyện Yên Dũng;  giãn cách xã hội 4 huyện và thành phố Bắc Giang.

Tỉnh đã quản lý được toàn bộ công nhân liên quan đến ổ dịch (cả số cách ly tập trung và cách ly tại nhà), đồng thời, tập trung cao cho phòng, chống dịch lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tại, 2 nguồn lây trong cộng đồng là từ khu công nghiệp ra và liên quan đến ổ dịch ở Thuận Thành (Bắc Ninh).

Từ 0 giờ ngày 21/5, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động vận tải khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả hoạt động vận tải khách liên tỉnh và hoạt động vận tải khách nội tỉnh (trừ trường hợp xe phục vụ phòng, chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan chức năng) .

Tỉnh Bắc Giang nhận định, số F0 trong một số ngày tới sẽ tiếp tục tăng, nhưng tất cả đều trong khu cách ly, không lây lan rộng ra cộng đồng. Năng lực xét nghiệm của Bắc Giang đã đạt 100.000 mẫu gộp/ngày, đáp ứng được yêu cầu chống dịch hiện tại.

Hiện, Bắc Giang đã đưa vào vận hành 8 bệnh viện để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, có 1.280 giường. Ngày 21/5, tỉnh đưa thêm 1 bệnh viện dã chiến 300 giường vào hoạt động, chuẩn bị 1 bệnh viện 600 giường để thu dung, điều trị các bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng, dự kiến 2 ngày nữa sẽ đưa vào hoạt động.

Các khu cách ly tập trung của Bắc Giang hiện chưa sử dụng hết công suất, nhưng vừa qua, do chuẩn bị gấp nên 1 số khu chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai khắc phục, để bảo đảm kiểm soát chặt các khu cách ly tập trung theo đúng quy định.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết giai đoạn này, ý thức của người dân là rất quan trọng, quyết định sự thắng hay bại. Tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ phòng, chống COVID cộng đồng; thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội; tiến hành xét nghiệm tầm soát COVID-19 ở những khu vực nguy cơ…

* Bắc Ninh quyết giữ các khu công nghiệp không phải ngừng hoạt động

Đến sáng 21/5, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 382 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 phủ hết 8 huyện thị, thành phố, ngoài cộng đồng vẫn còn nguồn lây. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết đã xuất hiện 6 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong khu công nghiệp (trong đó 5 ca của Samsung và Canon);…

Về xét nghiệm, Bắc Ninh đã tăng cường các loại xét nghiệm, triển khai xét nghiệm mẫu gộp 20 đơn, tuy nhiên, trên địa bàn có gần 500.000 công nhân trong khu công nghiệp, nếu xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn hiện nay thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Bắc Ninh cũng chuẩn bị 2 bệnh viện dã chiến, triển khai thêm các giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, tập trung xét nghiệm cho các nhóm có nguy cơ cao.

Sau khi khoanh gọn các ổ dịch ngoài cộng đồng, tỉnh Bắc Ninh quyết tâm giữ các khu công nghiệp không phải ngừng hoạt động. Thời gian tới, tỉnh tập trung ngăn chặn dịch lây lan trong khu công nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, kiên quyết đình chỉ hoạt động những doanh nghiệp vi phạm…

Tỉnh đang phối hợp với Bắc Giang để có phương án đảm bảo hoạt động, tránh chuỗi đứt gẫy sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung (Bắc Giang có 13 cơ sở sản xuất linh kiện cho của Samsung)… đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Tỉnh tiếp tục quyết liệt triển khai chống dịch, chỉ đạo rà soát toàn bộ các khu cách ly tập trung, đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo; tiếp tục cách ly y tế các địa phương có nguy cơ cao; xây dựng phương án bầu cử phù hợp; quyết liệt truy vết, đặc biệt những người liên quan đến các khu công nghiệp.

Từ ngày 20/5, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu tạm dừng tất cả hoạt động vận tải hành khách đối với các tuyến xe buýt nội tỉnh, xe buýt kế cận; xe tuyến cố định; xe hợp đồng; xe khách du lịch và xe taxi trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện giãn cách xã hội đối với 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện; trong đó, thành phố Bắc Ninh, huyện Thuận Thành và huyện Yên Phong, huyện Quế Võ áp dụng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Thị xã Từ Sơn và các huyện Tiên Du, Quế Võ, Lương Tài áp dụng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg.

* Siết chặt phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

Việt Nam hiện có 369 khu công nghiệp tập trung, gần 30 khu cửa khẩu, chế xuất, tương đương 3,8 triệu lao động; gần 700 cụm công nghiệp với 600 nghìn lao động.

Đặc thù của khu công nghiệp, khu chế xuất là người lao động cùng làm việc trong môi trường kín, di chuyển về ký túc xá cùng thời điểm, sinh hoạt trong nhà trọ chật chội, đông đúc; các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân dày đặc, nhiều xe cộ qua lại… nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.

Do đó, ngay từ rất sớm, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã nhiều lần nhắc nhở và có hướng dẫn về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các khu vực này.

Hiện nhiều tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đã xây dựng, phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch COVID-19; xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong khu công nghiệp, khu chế xuất và tổ chức diễn tập các phương án phòng chống dịch COVID- 19.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố yêu cầu kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn, yêu cầu công nhân thực hiện khai báo y tế hàng ngày, không cho phép người không khai báo y tế đến làm việc. Bên cạnh đó, khuyến cáo, vận động các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có quy mô lao động lớn trang bị thiết bị nhận diện khuôn mặt và máy tầm nhiệt để góp phần làm tốt công tác sàng lọc, phòng chống dịch COVID-19.

Các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, xí nghiệp cần thực hiện nghiêm yêu cầu 5K; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, cập nhập lên bản đồ an toàn COVID; thiết lập các phòng cách ly tạm thời để đáp ứng tình huống phát sinh trường hợp có yếu tố nghi ngờ nhiễm COVID-19.

Khi phát hiện trường hợp F0 phải khẩn trương, chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cách ly, giãn cách theo đúng chỉ đạo. Người quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm về thực hiện phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý.

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, TP Hồ Chí Minh triển khai chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát nhằm đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố. Số lượng người thực hiện lấy mẫu dự kiến chiếm 20% số lượng người lao động tại khu vực này.

Tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho hay dựa vào đánh giá của CDC Đà Nẵng, hiện thành phố tương đối "sạch" COVID-19 ở ngoài cộng đồng. Tuy nhiên trong thời gian tới, phải tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tiến tới khẳng định Đà Nẵng "sạch" COVID-19 trong cộng đồng.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Ban quản lý Khu Công nghệ cao và khu công nghiệp Đà Nẵng ban hành văn bản gửi các doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tổ chức xét nghiệm và tự đề xuất thời gian. Thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc ứng trước tiền xét nghiệm, doanh nghiệp phải chịu chi trả.

Tại Hà Nội, UBND thành phố yêu cầu, toàn bộ người lao động, chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động giao thương thường xuyên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn các tỉnh/thành phố khác chủ động khai báo y tế hàng ngày qua ứng dụng công nghệ thông tin hoặc khai báo y tế với Trạm Y tế tại địa phương, cài đặt ứng dụng Bluezone, thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khác theo quy định.

Đối các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố: Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Sở Công thương, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản phòng chống dịch khi xuất hiện các ca dương tính với SARS-Cov-2 theo quy định của Bộ Y tế.

Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định và các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Tại Bình Dương, để đảm bảo an toàn và yên tâm cho phát triển kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã kích hoạt hệ thống các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 lên mức cao nhất, nhằm tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Tình hình dịch bệnh nên tỉnh chỉ hỗ trợ nhập cảnh đối với những đối tượng thật sự cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh

nghiệp, bao gồm: các nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, chuyên gia và lao động kỹ thuật cao.

Hơn nữa, người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam và về Bình Dương phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương thường xuyên chỉ đạo Ban quản lý chủ động nắm tình hình khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất tỉnh có biện pháp tháo gỡ khi có khó khăn, cùng giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp duy trì ổn định.

Do đợt dịch COVID-19 lần này có mức độ nguy hiểm cao, chủng virus có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, vì vậy Ban Quản lý Khu công nghiệp đang tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách phòng chống dịch như thường tuyên truyền đến các doanh nghiệp và người lao động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như thực hiện tốt thông điệp 5K.

Ban Quản lý Khu công nghiệp còn triển khai thực hiện tốt hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động, ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19,… với quyết tâm không để dịch bệnh COVID-19 lây lan trong các khu công nghiệp và cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ban quản lý cũng sẽ tăng cường xét nghiệm lấy mẫu ngẫu nhiên của các công nhân trong khu công nghiệp và người lao động tại các khu nhà trọ lân cận để kịp thời phát hiện nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục