Xu hướng kinh doanh sẽ tốt hơn trong quý IV?

12:07' - 10/10/2017
BNEWS Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến trong quý IV sẽ tốt hơn so với quý III năm nay.
Đã có doanh nghiệp đăng ký thuê đất hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến trong quý IV sẽ tốt hơn so với quý III năm nay. Theo đó, có 52,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 36,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III vừa qua, có 59,4% doanh nghiệp cho rằng, khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Có 47% doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 32,2% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 31,2% doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 28,1% doanh nghiệp cho rằng lãi suất cao và 22,2% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh cao của hàng nhập khẩu là yếu tố quan trọng.
Dự báo quý IV, có 54,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 9,9% số doanh nghiệp dự báo giảm và 35,9% số doanh nghiệp dự báo ổn định so với quý III.
Về đơn đặt hàng, xu hướng quý IV khả quan hơn so với quý III, với 48,9% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 10,4% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 40,7% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. Đối với đơn đặt hàng xuất khẩu, có 39,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 10,6% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 49,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
Dự báo về chi phí sản xuất, xu hướng trong quý IV/2017, có 18,4% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng so với quý III; 9,6% số doanh nghiệp cho rằng chi phí giảm và 72% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất ổn định.
Về giá bán sản phẩm, có 15,9% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ cao hơn; 6,8% số doanh nghiệp dự báo giá bán thấp hơn và 77,3% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm ổn định.
Dự báo về tồn kho sản phẩm, có 13,7% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 33,5% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho giảm và 52,8% số doanh nghiệp dự báo giữ ổn định.
Về tồn kho nguyên vật liệu, dự kiến quý IV so với quý III, có 13,8% số doanh nghiệp dự báo lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 32% số doanh nghiệp dự báo lượng tồn kho giảm và 54,2% số doanh nghiệp cho rằng sẽ không có biến động về tồn kho nguyên vật liệu.
Đối với sử dụng lao động, dự kiến quý IV, có 19,3% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động tăng; 7,2% số doanh nghiệp dự báo giảm và 73,5% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định quy mô lao động so với quý III.
Để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thời gian qua, Chính phủ thường xuyên thực hiện rà soát và kiểm soát môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Gần đây, Chính phủ cũng đã mở trang thông doanh nghiệp để lắng nghe, tiếp thu những kiến nghị của họ. Kể từ khi chuyên trang ra mắt, Chính phủ đã nhận được rất nhiều kiến nghị của doanh nghiệp phản ánh về những vướng mắc liên quan.
Thêm vào đó, với cơ chế của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được ban hành cũng là động lực khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hiệp hội, ngành nghề chuyên môn để tự bảo vệ môi trường kinh doanh của mình khi có những điểm bất lợi. Bên cạnh đó, cơ cấu doanh nghiệp hướng đến những ngành tạo ra giá trị sản xuất cao, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu toàn cầu.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục