Xu hướng nào cho ngành hàng tre Việt Nam​?

12:55' - 04/08/2022
BNEWS Quy mô thị trường toàn cầu sẽ đạt xấp xỉ 83 tỷ USD vào năm 2028, cùng tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,7% cho sản phẩm từ cây tre, đây sẽ là ngành hàng tiềm năng cho nông nghiệp nước ta.

 

Sáng 4/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam".
 
Tại hội thảo, các đại biểu đã xác định rõ thêm về vai trò, vị trí giá trị của cây tre Việt Nam. Cây tre Việt Nam không những có giá trị về văn hóa truyền thống làng xã, ứng phó với biến đổi khí hậu mà đang có giá trị kinh tế trong cơ chế thị trường hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, cây tre hàng năm mang lại giá trị xuất khẩu khoảng 300-400 triệu USD/năm, còn giá trị sử dụng trong nước thì chưa tính được. Người nông dân trồng tre hiện nay đang bị áp lực bởi có nhiều cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi. Để phát triển ngành hàng tre, ngay từ bây giờ doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng những vùng nguyên liệu lớn đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến, xuất khẩu.
“Để hình thành chuỗi giá trị kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư phải xác định được vùng nguyên liệu và sự liên kết. Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp, người sản xuất và chính quyền các địa phương phải cùng vào cuộc thì mới phát huy được giá trị cây tre”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ ra.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích tre cả nước hiện gần 1,6 triệu ha phân bố hầu hết các tỉnh thành trên cả nước; có 37 tỉnh có diện tích trên 10.000 ha. Hàng năm khai thác từ 500-600 triệu cây với khoảng 2,5-3 triệu tấn; giá trị xuất khẩu từ 300-400 triệu USD/năm và chủ yếu xuất khẩu sang EU với 25% tỷ trọng; Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nhập khẩu lớn với tỷ trọng khoảng 15% mỗi nước. Với xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững, các chuyên gia nhận định, sản phẩm từ tre ngày càng được các thị trường ưa chuộng. 
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Điều phối viên dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu/tre ở Việt Nam đánh giá, với quy mô thị trường toàn cầu sẽ đạt xấp xỉ 83 tỷ USD vào năm 2028, cùng tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,7% cho sản phẩm từ cây tre. Đây sẽ là ngành hàng tiềm năng cho nông nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, cây tre sinh trưởng nhanh, sản phẩm từ tre nhẹ, bền có thể thay thế gỗ tự nhiên và hợp chất hóa học. Tre có khả năng chống chịu động đất, ngăn chặn xói mòn đất và phục hòi đất bị thoái hóa, hấp thụ carbon tốt, góp phần giảm tác động biến đổi khí hậu. Cây tre cũng đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của nông dân địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tre đang là nguồn nguyên liệu phục vụ cho trên 600 làng nghề mây tre đan. 
Tuy nhiên, với sự phát triển tự nhiên, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng chỉ ra, nguồn giống tre đang có dấu hiệu suy thoái; nhiều vùng khai thác nhưng không có sự tái tạo nên có phát triển kém. Trình độ khai thác thấp, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển và sản xuất kinh doanh. Sản phẩm từ tre còn chưa đa dạng, chưa quan tâm đến quản lý chất lượng; thiếu sự gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi. Việc xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tre còn yếu, thiếu thông tin. 
Đặc biệt, chưa có một tiêu chuẩn và hành hàng pháp lý riêng cho việc trồng, chế biến và sử dụng nguyên liệu tre trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Đây cũng là rào cản lớn khiến chuỗi ngành hàng tre chưa thể kết nối và phát huy hết tiềm năng.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, cần bảo tồn giá trị văn hóa của cây tre Việt Nam và phát huy các giá trị kinh tế của các sản phẩm làm từ tre. Đồng thời, đa dạng các sản phẩm làm từ tre và sản xuất tre làm vật liệu thay thế các sản phẩm khác như gỗ, hợp chất hóa học. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung được cấp chứng chỉ để xuất khẩu. 
Theo đó, để tổ chức sản xuất hiệu quả cần nghiên cứu cải tạo giống tre, áp dụng phương pháp trồng, chế biến mới vào sản xuất; xây dựng các chuỗi liên kết giữa người dân, hợp tác xã với doanh nghiệp; vùng nguyên liệu với các làng nghề mây tre đan…
Tại hội thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành thúc đẩy sớm hình thành Hiệp hội Tre Việt Nam. Đây sẽ là một trong những cơ sở, tiền đề gắn kết ngành tre theo chuỗi giá trị cũng như phát triển ngành công nghiệp chế biến tre trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục