Xu hướng phát triển mô hình “Nông nghiệp thông minh 4.0”

16:45' - 28/06/2017
BNEWS Ngày 28/6, Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ tổ chức hội thảo “Mô hình sản xuất xanh trong nông nghiệp”.

Các nhà khoa học, doanh nghiệp…tham dự hội thảo đã phân tích, chỉ ra xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng những tiến bộ của cuộc “cách mạng công nghiệp 4.0” vào sản xuất.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ cho biết: “Cách mạng công nghiệp 4.0” trong nông nghiệp là hướng phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp trong điều kiện khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, dân số không ngừng tăng và diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp. Vì thế, tư duy làm nông nghiệp nhỏ lẻ, dựa vào sức người và điều kiện tự nhiên là chính đã trở nên lỗi thời.

Ngày nay, với những thành tựu của cuộc “Cách mạng công nghiệp 4.0”, chúng ta phải có nền “Nông nghiệp thông minh 4.0” tương ứng. Trong đó, nhà sản xuất sử dụng công nghệ kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý học. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long – nơi được mệnh danh là vựa lúa của Việt Nam, nhu cầu này càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Với những kết quả trong nghiên cứu và thực nghiệm trên các mô hình sản xuất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertilizer nhấn mạnh: Việc đưa vào sử dụng các loại máy móc tự động không người lái trong nông nghiệp không chỉ giúp tăng năng suất, mà quan trọng nhất là giữ sức khỏe cho nông dân khi không phải trực tiếp làm các công đoạn nhiều rủi ro như phun thuốc trừ sâu, gặt đập, vận chuyển…
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cùng internet kết nối vạn vật sẽ giải phóng nông dân khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà năng suất vẫn phải phó mặc cho các điều kiện tự nhiên.

Ngày nay, điện toán sẽ giúp chúng ta phân tích đầy đủ và kỹ lưỡng các thông số đất đai, độ ẩm, sức khỏe vật nuôi, giai đoạn phát triển của cây trồng…sau đó đề xuất lượng nước tưới, lượng phân bón phù hợp. Người sản xuất chỉ cần kiểm soát và bấm nút quyết định thông qua điện thoại cầm tay.

Nhân công giảm, năng suất tăng và chất lượng đồng đều…là những điều kiện để nông dân có thể gia tăng thu nhập và hội nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, bà Lê Lan Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mimosa Technology đã đề cập đến mô hình “Tưới chính xác” áp dụng internet vạn vật. Mô hình này đã được sử dụng trong các nông trại thanh long ở nhiều tỉnh, thành phố miền Trung – nơi luôn khan hiếm nguồn nước ngọt.

Giải pháp này hoạt động trên cơ chế sử dụng các cảm biến để giám sát các thông số liên quan đến nhu cầu nước của cây trồng bao gồm đặc tính của cây, chu kỳ phát triển, tính giữ nước của đất, độ ẩm không khí… Tất cả các thông số này được chuyển về phần mềm quản lý, tự động phân tích cho ra số lượng nước tưới tối ưu cho cây trồng.

Quá trình tưới này sẽ được tự động cập nhật như “nhật lý nông vụ” và quản lý bằng mã vạch điện tử QR code. Đây là cơ sở để truy xuất nguồn gốc nông sản, giúp nông dân chứng minh quy trình sản xuất sạch với thị trường.
Đa phần ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng: “Nông nghiệp thông minh 4.0” sẽ tạo ra nhiều bứt phá cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Tương lai, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không chỉ tự hào về sản lượng mà còn xây dựng được thương hiệu về chất lượng cũng như những cam kết về một nền nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường và an toàn với người sử dụng.
Bức tranh về “nông nghiệp thông minh 4.0” sẽ là một quy trình khép kín bằng công nghệ: Giống xác nhận chất lượng cao, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu thảo dược; canh tác chính xác, giảm hao hụt giống và giảm khí thải nhà kính; tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến; ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng./.

>>> Khuyến nghị các giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững

>>> Công nghệ thông tin góp phần phát triển nông nghiệp bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục