Xử lý rác thải: Trách nhiệm không của riêng ai

06:30' - 25/06/2017
BNEWS Cùng với sự mở rộng nhanh chóng của đô thị là một loạt thách thức, trong đó có tình trạng đông dân, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn đường, áp lực đối với cơ sở hạ tầng và nhu cầu năng lượng tăng.
Xử lý rác thải: Trách nhiệm không của riêng ai. Ảnh: AFP/TTXVN

Dân số thành thị đang trên đà gia tăng trên toàn thế giới. Theo Liên hợp quốc (LHQ), đến năm 2050, tỷ lệ người sống ở các thành phố lớn được dự đoán sẽ tăng từ 54% hiện tại lên 66% tổng dân số toàn cầu. 

Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), sự cạnh tranh trong khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn sẽ ngày càng khốc liệt, khi nền kinh tế ngày một phát triển và lượng dân số ngày càng đông hơn.

Trong bối cảnh này, việc tăng cường sử dụng nguồn vật liệu tái chế sẽ góp phần giúp quốc gia hưng thịnh, đồng thời bảo vệ môi trường trong tương lai. Báo cáo còn nhấn mạnh quá trình “biến” những phế liệu trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị sẽ tạo mới nhiều việc làm và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. 

Tầm quan trọng của tái chế rác thải 

Các chuyên gia cho biết hoạt động tái chế rác thải sẽ góp phần đáng kể bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Giới nghiên cứu khẳng định sử dụng vật liệu tái chế sẽ giúp giảm đáng kể mức độ ô nhiễm so với sử dụng vật liệu mới. 

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn cảnh báo rằng việc chôn lấp và đốt rác là các phương pháp không chỉ có tác động rất lớn về môi trường mà còn gây thiệt hại về mặt kinh tế. Nước từ rác thải chôn lấp lan ngấm xuống làm ô nhiễm đất và mạch nước ngầm.

Nếu muốn xử lý triệt để vấn đề này, các quốc gia cần tiêu tốn một nguồn ngân sách rất lớn. Theo các chuyên gia, tái chế rác thải là một bước đi quan trọng trên hành trình bảo vệ “hành tinh Xanh”. 

Một nghiên cứu của cơ quan Ellen MacArthur Foundation cho biết hầu hết các túi nilon (làm từ nhựa) chỉ được sử dụng một lần duy nhất sau khi sản xuất và 95% giá trị của các túi nilon, tương đương khoảng 80-120 tỷ USD đang bị lãng phí mỗi năm. EPA ước tính việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô. 

Một thống kê khác cho biết tỷ lệ tái chế rác thải hàng năm tại Mỹ là trên 30% (khoảng 90 triệu tấn rác thải mỗi năm). Theo một ước tính, khi tỷ lệ tái chế tại Mỹ đạt 75%, con số này sẽ tương đương với việc giảm được lượng khí thải từ 55 triệu ô tô đi lại trên đường, đồng thời tạo mới 1,5 triệu việc làm cho nền kinh tế. 

Đãi “vàng” trong rác

Thành phố Songdo (Hàn Quốc) là thành phố thông minh đầu tiên trên thế giới. Songdo phát triển ba mạng lưới nước, bao gồm nước sạch, nước thải và nước đã qua xử lý, để cung cấp cho người dân. Thành phố này cũng dùng khí tự nhiên để sưởi ấm và có một hệ thống thu lượm rác thải chạy bằng khí nén.

Còn ở Nhật Bản, sau thảm họa động đất năm 2011, nước này đã đưa ra “Chính sách xanh” nhằm giải quyết những lo ngại về hiệu quả và an ninh năng lượng quốc gia. Chính sách này bao gồm kế hoạch lắp đặt hệ thống quản lý năng lượng nhà ở (HEMS) trong tất cả các hộ gia đình đến năm 2030. 

Trong dự án Thành phố thông minh Yokohama (YSCP), gần 4.200 hệ thống HEMS, và 2.300 phương tiện giao thông chạy bằng điện đã được lắp đặt, qua đó khiến lượng CO2 giảm đến 39.000 tấn.

HEMS cho phép các hộ gia đình và tòa nhà ở Yokohama tiết kiệm năng lượng và cắt giảm hóa đơn tiền điện. Mục đích của dự án YSCP là cắt giảm mạnh lượng khí thải có carbon vốn được coi là “thủ phạm” gây ra tình trạng ấm nóng toàn cầu, theo các nhà khoa học.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, CH Czech là một những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác trước khi đưa đến nhà máy tái chế hay bãi rác tiêu hủy.

Từ năm 1992, ở CH Czech đã cho ra đời trang web www.jaktridit.cz chuyên xử lý rác, hướng dẫn cách phân loại rác rác hữu cơ (đồ thừa khi chế biến thực phẩm hoặc thức ăn thừa) và rác vô cơ ngay trong căn bếp. Nhờ đó mà có gần 7,15 triệu người, tức 2/3 dân số cả nước, có ý thức phân loại rác tại gia.

Tại các thành phố của CH Czech , không kể các ngôi nhà tư thì mỗi tòa nhà chung cư đều có những thùng rác riêng. Hiện nay tại CH Czech có tất cả 270.000 thùng rác các loại dành cho 10,5 triệu dân, trong đó thùng đổ rác hữu cơ có màu đen và rác sẽ bị tiêu hủy tại bãi rác, còn thùng rác vô cơ dược chia làm 6 loại theo màu sắc cho từng loại rác tương ứng như giấy bìa, đồ nhựa, thủy tinh, quần áo, đồ diện và điện tử cỡ nhỏ.... 

Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về tái chế rác thải. Quốc gia này đã áp dụng chính sách tái chế thống nhất trên toàn quốc. Tờ Independent cho biết kể từ năm 2011 chưa đến 1% rác thải từ hộ gia đình của Thụy Điển được chuyển đến bãi đổ rác.

Quy trình xử lý rác tại Thụy Điển được tiến hành như sau: rác thải hữu cơ tại các gia đình sẽ được làm nhiên liệu đốt cháy để sản sinh nhiên liệu cho các nhà máy; các loại rác không cháy được, như kim loại, sẽ được tách ra để tái chế; còn các loại rác vô cơ không cháy sẽ dùng để trải đường, làm mái ngói, gạch lót sàn.

Điều đặc biệt là dù đã tái chế 99% lượng rác thải, các nhà máy tái chế của Thụy Điển vẫn không đủ nguồn nguyên liệu và hàng năm phải nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn rác từ nước ngoài để tái chế. Một quốc gia khác phải đi nhập khẩu rác là Estonia.

Năm 2015, quốc gia này đã phải nhập khẩu 56.000 tấn rác để cung cấp cho nhà máy điện chạy bằng rác thải. 

Ở châu Mỹ, một nhóm các chuyên gia, chủ doanh nghiệp về công nghệ và giới chức thành phố Ottawa của Canada đã nhóm họp để tìm giải pháp xây dựng Ottawa trở thành một thành phố thông minh, nhằm đem lại tiện ích lớn nhất cho người dân, đồng thời giảm chi phí và khí thải từ việc sử dụng ô tô. 

Theo chuyên gia tư vấn Campbell Patterson của hãng Kingston, trong mùa Hè này sẽ có nhiều xe không người lái chạy trên đường phố của vùng Kanata ở ngoại ô Ottawa. Công nghệ thông minh cũng cho phép thu thập dữ liệu để giới chức thành phố quản lý tất cả mọi thứ, từ rác thải, nước sinh hoạt, giao thông..., nhằm tiết kiệm tiền bạc và thời gian./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục