Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc: "Gần" nhưng không "dễ"

21:03' - 30/08/2017
BNEWS Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản nếu không có chiến lược thị trường khi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn khi nước này có quy định mới hoặc đột ngột dừng nhập khẩu.
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản nếu không có chiến lược thị trường khi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Đây là dự báo của nhiều chuyên gia tại Hội thảo Thị trường thuỷ sản Trung Quốc: Tiềm năng cung cấp của Việt Nam, do Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 30/8.

*"Gần" nhưng không "dễ"

Theo các doanh nghiệp, với quy mô dân số lớn nhất thế giới, có tốc độ tiền lương, thu nhập bình quân cũng như tầng lớp trung lưu tăng mạnh thì Trung Quốc được xem là thị trường tiềm năm và thay thế cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường này vẫn luôn có nhiều rủi ro, thách thức và nhiều bất trắc khó lường trước được.

Ông Đặng Ngọc Sâm Thương, Trưởng phòng Chuỗi cung ứng Công ty TNHH thực phẩm Amanda Việt Nam cho biết, để xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng 3 điều kiện.

Đầu tiên, doanh nghiệp phải nằm trong danh mục những nhà sản xuất thuỷ sản được cơ quan thẩm quyền Trung Quốc công nhận; hàng hoá xuất khẩu vào Trung Quốc phải được cấp giấy chứng nhận chất lượng; đồng thời, sản phẩm cũng phải nằm trong danh mục sản phẩm thuỷ sản được nước này công nhận.

Hiện công ty này đang muốn xuất khẩu khoảng 100 tấn cá hồi/tháng và có thể tăng hơn nữa trong thời gian tới. Với mức giá trung bình chỉ cần 10 USD/tấn thì đã mang lại doanh thu cho doanh nghiệp khoảng 10-12 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm cá hồi lại không có trong danh mục sản phẩm thuỷ sản được nhập vào Trung Quốc từ Việt Nam nên doanh nghiệp không thể đưa hàng đi được.

Trước tình hình trên, phía đối tác của công ty đã làm hồ sơ và liên hệ với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc để xin quota nhập khẩu, thế nhưng vẫn không được.

Không chỉ cá hồi, một số sản phẩm thuỷ sản khác cũng trong tình trạng tương tự, như cá đổng cờ, hai mảnh vỏ...

Theo tìm hiểu của Công ty Amanda, trong công văn thoả thuận về hợp tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm giữa hai nước, Trung Quốc không có yêu cầu nào về việc cung cấp danh mục thuỷ sản được phép nhập khẩu.

Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn nhất định yêu cầu Việt Nam cung cấp danh mục sản phẩm thuỷ sản xuất vào thị trường này rồi mới xem xét tiếp.

Vấn đề này đã được công ty phản ánh với VASEP và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản nhưng vẫn chưa gỡ vướng được cho doanh nghiệp.

Trong một phiên họp mới đây của VASEP, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cũng cho rằng, Trung Quốc trong tương lai có thể sẽ trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, với phương thức kinh doanh của họ hiện nay thì sẽ mang lại nhiều bất ổn cho ngành tôm nói riêng và ngành thuỷ sản nói chung.

Theo ông Lĩnh, thị trường tôm nguyên liệu từ đầu năm đến nay diễn biến khá bất thường. Mặc dù diện tích, sản lượng tôm liên tục tăng, nhưng giá tôm nguyên liệu đáng ra phải giảm xuống thì nay vẫn trên đà tăng lên.

Nguyên nhân của tình trạng này là có sự “thao túng” của một số thương nhân Trung Quốc.

Họ xuống tận các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thu mua nguyên liệu và đẩy giá cao lên.

Nhìn sơ qua, điều này sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nuôi, nhưng về tổng thể, lợi nhuận chung của ngành tôm sẽ bị thiệt hại đáng kể.

Họ chủ yếu là mua hàng đông lạnh, chưa qua sơ chế và không quan tâm tôm có nhiễm kháng sinh hay không. Do vậy, phần lợi nhuận từ giá trị gia tăng của sản phẩm rơi vào tay các nhà chế biến Trung Quốc.

Nguy hiểm hơn, điều này có thể dẫn đến việc người nuôi "lơ là", không quan tâm đến việc kiểm soát dư lượng hoá chất kháng sinh, dẫn đến về lâu dài có thể tác động xấu đến uy tín chung của ngành.

Do giá nguyên liệu cao và khan hiếm nên các doanh nghiệp chế biến phải cạnh tranh khá gay gắt, thậm chí một số nhà máy không có nguyên liệu để sản xuất, chưa kể ở Việt Nam giá thành nuôi tôm đã cao hơn các nguồn cung tôm khác.

* Làm thế nào để tăng xuất khẩu vào Trung Quốc?

Nhìn lại tình hình xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong vòng 10 năm gần đây, đại diện VASEP, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO cho biết, đây là một trong những thị trường nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam ít có sự tăng trưởng âm.

Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này liên tục tăng trưởng mạnh qua các năm, từ 152 triệu USD trong năm 2007 lên 860 triệu USD vào năm 2016.

Tốc độ tăng trưởng hầu như đều duy trì ở 2 chữ số; trong đó, tôm và cá tra là hai mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.

Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ hai về nhập khẩu cá tra.

Là thị trường tiêu thụ khổng lồ, việc làm thế nào để tăng xuất khẩu ổn định vào Trung Quốc đang là câu hỏi đặt ra ở nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Trung Quốc có nhiều tỷ phú, tầng lớp trung lưu nhiều, họ thích các sản phẩm nhập khẩu có giá trị, chất lượng cao.

Do vậy, nếu các doanh nghiệp Việt có chiến lược xây dựng tốt hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, "hàng Việt Nam tiêu chuẩn quốc tế" thì có thể đẩy mạnh xuất khẩu ổn định sang thị trường này.

Ngành thuỷ sản phải có chiến lược định vị thị trường, xây dựng thương hiệu chung, bảo vệ hình ảnh sản phẩm thì mới tiến quân vào thị trường Trung Quốc một cách bài bản.

Dưới góc độ của một chuyên gia trong ngành thuỷ sản, Tiến sĩ Yang Yong, Chủ tich hội đồng quản trị Công ty TNHH Công nghệ sinh học Nutriera Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc hiện quan tâm nhiều hơn về chất lượng sản phẩm, mức độ an toàn cũng như sự tiện lợi của sản phẩm; trong đó, thương hiệu sản phẩm là yếu tố quan trọng để họ lựa chọn sản phẩm. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn từ 20-30% để mua những sản phẩm nhập khẩu đảm bảo có những yếu tố trên.

Do vậy, các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể đẩy mạnh vào khâu chế biến sản phẩm theo hướng tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng sản phẩm.

Chẳng hạn, đối với sản phẩm cá tra, doanh nghiệp có thể sử dụng một số chất chiết xuất thực vật có thề làm tăng hàm lượng omega-3 và phụ gia đặc biệt để cải thiện hương vị thịt.

"Nếu chất lượng thịt và dinh dưỡng được cải thiện, thể hiện sự khác biệt với cá rô phi và cá thịt trắng khác, sản phảm sẽ dễ dàng được người tiêu tin tưởng sử dụng và phổ biến", Tiến sĩ Yang Yong cho biết./.

Xem thêm:

>>>Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng đạt 4,4 tỷ USD

>>>Xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8 tỷ USD trong năm 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục