Xung đột Trung Đông: Cái giá về thiệt hại kinh tế

06:30' - 10/03/2018
BNEWS Bên cạnh những mất mát to lớn về người, các cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài đối với nguồn nhân lực cũng như viễn cảnh kinh tế của các nước có liên quan.

Thành phố Deir Ezzor trong chiến dịch chống IS của lực lượng Chính phủ Syria tháng 11/2017. Ảnh: AFP/ TTXVN

Báo Ahram Online (Ai Cập) đăng bài phân tích với tựa đề “Những cái giá của các cuộc xung đột ở Trung Đông”. Trong những năm vừa qua, các cuộc nội chiến và chiến tranh ủy nhiệm ở khu vực Trung Đông đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế của một số nước trong khu vực.

Xung đột vũ trang đã hủy hoại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất hàng hóa của những nước xảy ra chiến tranh và một thế hệ trẻ em và thanh niên hiện đang lớn lên mà không được hưởng sự giáo dục hay chăm sóc y tế đúng mức do phải chuyển đổi nơi ở và các cơ sở dịch vụ công bị tàn phá.   

Thực tế cho thấy rất nhiều cuộc xung đột lớn trong khu vực vẫn đang diễn ra, ví dụ như ở Syria, Libya và Yemen. Do đó, rất khó có thể tính toán một cách chính xác về những chi phí của các cuộc chiến tranh ở Trung Đông.

Điều này sẽ chỉ có thể làm được khi các cuộc chiến kết thúc và những bên liên quan khác nhau có thể xem xét chi tiết thiệt hại trực tiếp tại những khu vực bị chiến tranh tàn phá và tính toán về những cái giá phải trả của các cuộc xung đột và việc tái thiết.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các cuộc chiến kết thúc, có thể có một số ước tính sơ bộ liên quan tới lĩnh vực kinh tế đằng sau các cuộc chiến ở Trung Đông, nêu ra những thiệt hại to lớn trong những năm vừa qua và những nguồn lực to lớn vốn có thể cần để khôi phục những điều kiện như thời kỳ trước khi nổ ra chiến tranh.

Theo báo Ahram Online, ở Syria, cuộc chiến vốn bắt đầu từ giữa tháng 3/2011 đã gây ra những thiệt hại về vật chất trực tiếp đối với cơ sở hạ tầng và công cụ sản xuất ước tính lên tới 68 tỷ USD từ năm 2011 đến năm 2016.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria giảm 16% hàng năm từ năm 2011 đến năm 2015, và 4% vào năm 2016. Điều này có nghĩa là tổng thiệt hại ước tính gấp 3 lần GDP của Syria trong năm 2010 trước khi chiến tranh bắt đầu nổ ra.

Những thiệt hại về tài sản và hàng hóa cùng với 3 triệu việc làm bị mất đã nâng tỷ lệ thất nghiệp lên tới 66% lực lượng lao động. Kết quả là 85,2% người dân Syria đã bị rơi xuống dưới mức nghèo khổ trong khi xảy ra cuộc xung đột vũ trang và hiện đang thiếu những nhu cầu thiết yếu cơ bản.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, thiệt hại về người trong cuộc xung đột ở Syria được coi là tồi tệ nhất ở Trung Đông những thập kỷ gần đây, ước tính có tới 460.000 người đã thiệt mạng và 1,1 triệu người đã bị thương trong cuộc chiến tranh ở quốc gia Trung Đông này.

Cuộc xung đột ở đây đã khiến 11,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, chiếm gần một nửa dân số của nước này. 2,8 triệu trẻ em Syria không được đến trường, ước tính nền kinh tế Syria đã thiệt hại trong những năm chiến tranh vào khoảng 10,5 tỷ USD đến 16,5 tỷ USD.

Trong khi đó tại Yemen, cái giá phải trả cho thiệt hại vật chất đã xảy ra kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh hồi năm 2015 có thể lên tới khoảng 15 tỷ USD. Do giảm sản lượng dầu thô cùng với cơ sở vật chất bị phá hủy do chiến tranh, GDP của Yemen đã giảm khoảng 28,1% trong năm 2015 và khoảng 4,2% trong năm 2016.

Trong khi đó, gần 35% doanh nghiệp dịch vụ, 29% cơ sở công nghiệp và 20% doanh nghiệp thương mại đã phải tạm ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh ở Yemen cũng đã khiến 2,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và gần 21,2 triệu người buộc phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh, chiếm khoảng 80% dân số Yemen.

Ngoài ra, còn phải kể đến cuộc khủng hoảng nhân đạo khi rất nhiều người dân Yemen đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp với 14,4 triệu người trong số họ đang ở trong tình trạng thiếu thốn lương thực “kinh niên”.

Bên cạnh tình trạng dễ bị tổn thương, đặc biệt ở trẻ em, gần một nửa dân số ở độ tuổi đến trường ở Yemen, khoảng 3,4 triệu trẻ em, không được đi học do chiến tranh. Điều này sẽ gây ra tác động tiêu cực, lâu dài đối với nguồn nhân lực và năng lực sản xuất của quốc gia Trung Đông này.

Còn ở Libya, nền kinh tế tập trung dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ có nghĩa là cuộc xung đột vũ trang ở quốc gia này đã khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng gần ngừng hoạt động nhiều lần do hoạt động sản xuất dầu và xuất khẩu gặp khó khăn, cơ sở vật chất có liên quan bị hư hại, hoạt động bị đình trệ.

Do đó, hoạt động sản xuất dầu thô của Libya đã giảm từ 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2010 xuống còn 390.000 thùng/ngày trong năm 2016, thiệt hại về thu nhập do hoạt động xuất khẩu dầu “chậm chạp” ước tính lên tới gần 100 tỷ USD chỉ trong 3 năm.

Điều này đã tác động tới nguồn cung nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân và khiến khoảng 2,4 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, trong khi 1 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Tổng thiệt hại và những phí tổn kinh tế của cuộc chiến tranh trong khu vực Trung Đông ước tính lên tới gần 300 tỷ USD và sẽ cần những nguồn lực khổng lồ để khôi phục hoạt động của các nền kinh tế như thời kỳ trước chiến tranh tại những quốc gia này. Chi phí thực của các cuộc xung đột có thể lớn hơn những con số ước tính nêu trên.

Công cuộc tái thiết sẽ không chỉ tập trung vào các cơ sở vật chất và hạ tầng mà còn có cả việc mở rộng xây dựng các cơ quan mới, song hành với xây dựng nền kinh tế, chính trị và pháp luật với “những di sản” yếu kém hay thậm chí thiếu vắng những cơ quan phù hợp tại ba quốc gia này và ở cả khu vực. Điều đó có thể trở thành một thách thức lớn trong các nỗ lực tái thiết ở các nước này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục