Ý kiến cử tri: Cần chuẩn bị đủ năng lực để đối phó với dịch bệnh trong tình hình mới

20:13' - 25/07/2021
BNEWS Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Ý kiến cử tri: Cần chuẩn bị đủ năng lực để đối phó với dịch bệnh trong tình hình mới.

Chiều 25/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Cử tri tại thành phố Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Cà Mau cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, quyết liệt phòng, chống dịch là thật sự cần thiết nhưng cần linh hoạt, hạn chế áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan; đặc biệt, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật nhằm hạn chế những vướng mắc, lúng túng của các địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

*Chuẩn bị đủ năng lực để đối phó với đại dịch trong tình hình mới

Một trong nhiều nội dung tại phiên họp được cử tri thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm, đó là công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ. Ông Nguyễn Duy Khánh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc Tre, quận Ngô Quyền, Hải Phòng nhận định, các giải pháp phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân; cố gắng cao nhất đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Theo ông Nguyễn Duy Khánh, tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các biện pháp thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng kịch bản chi tiết hơn về phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương; giảm tối đa các khoản chi chưa cần thiết từ nguồn ngân sách Nhà nước để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch; đảm bảo an ninh lương thực trong tình huống xấu nhất; triển khai sớm nhất việc mua và tiêm phòng vaccine cho nhân dân cả nước.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương chuẩn bị đủ năng lực để đối phó với đại dịch trong tình hình mới; linh hoạt áp dụng các hình thức trên cơ sở bám sát các quyết định, công điện, chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, không cứng nhắc dẫn đến kém hiệu quả.

Quan tâm đến chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng, ông Vũ Văn Kiền, cựu chiến binh huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng cho rằng, trước những diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, khó khăn phức tạp khó lường của dịch bệnh nhưng do sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt và rất sát sao của Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, đất nước ta vẫn ổn định trên đà phát triển, nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021, an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững, công tác quốc phòng được tăng cường, đời sống các tầng lớp nhân dân ổn định.

Chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm. Hằng năm vào các ngày lễ, Tết Nhà nước, thành phố Hải Phòng đều tặng quà cho các trường hợp trong diện.

Nhất là những năm gần đây, Hải Phòng quan tâm tặng quà với mức cao nhất cả nước, gấp nhiều lần so với những năm trước đây đã tạo ra không khí phấn khởi, ấn tượng tốt đẹp cho các trường hợp trong diện và nhân dân thành phố.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, thành phố vẫn còn những hạn chế tồn tại như sót đối tượng, đối tượng chậm được hưởng chế độ, do quy định về điều kiệu tiêu chí hệ thống văn bản chưa được đồng bộ, chặt chẽ, cụ thể rõ ràng cho các trường hợp.

Ông Vũ Văn Kiền đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan, các địa phương cần cụ thể hóa đầy đủ đồng bộ các văn bản, làm rõ khái niệm và điều kiện tiêu chí mức đóng góp cụ thể của người có công để tránh trường hợp gian lận, làm giả hồ sơ trục lợi gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tiếp tục rà soát thẩm định căn cứ để bổ sung trường hợp được hưởng chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng do thiếu hồ sơ giấy tờ; nâng mức trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho người có công...

*Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước

Về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cử tri tỉnh Thừa Thiên – Huế đều nhận định rằng, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của đất nước mà cử tri cả nước đang quan tâm, đặc biệt là việc tăng cường giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 để bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của nhân dân, các giải pháp thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Theo cử tri Lê Như Phương trú tại Tổ 12, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, các đại biểu Quốc hội trình bày ý kiến ngắn gọn, súc tích và kiến nghị những giải pháp rất thiết thực và phù hợp thực tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm.

Đặc biệt lần này, Quốc hội đã rút ngắn thời gian họp, làm việc cả ngày Thứ bảy, Chủ nhật để dành thời gian cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cử tri Lê Như Phương rất tâm đắc với phần phát biểu của đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, về sự chênh lệch trong tiêu chí phòng, chống dịch bệnh của các địa phương dẫn đến sự ùn tắc hàng hóa, phương tiện.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch bệnh.

Cử tri Lê Như Phương, mong muốn Đảng, Chính phủ sớm triển khai tiêm vaccine COVID-19 diện rộng để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Với sự quyết liệt, đồng hành của Chính phủ và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân cả nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ là động lực để đất nước ta sớm đẩy lùi dịch COVID-19.

Cử tri Nguyễn Đức Thuận, cán bộ hưu trí sinh sống ở đường Nguyễn Trường Tộ, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế cho biết, các đại biểu đã thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, phản ánh nhiều vấn đề, nội dung, được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Cử tri Nguyễn Đức Thuận cho rằng, mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo của Đảng, Chính phủ trong việc thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội.

Nhờ vậy, nền kinh tế nước nhà đã đạt được những kết quả đáng mừng, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được 5,64%. Đất nước ta đang trải qua những ngày rất khó khăn vì dịch COVID-19, nhân dân cả nước cũng phát huy tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau lúc dịch bệnh, hoạn nạn.

Những ngày qua, hàng trăm chuyến hàng chở lương thực thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm khác đang được vận chuyển về các tỉnh miền Nam. Nhân dân cả nước cũng đóng góp để mua vaccine….

Cử tri Nguyễn Đức Thuận mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Đồng thời, quan tâm hỗ trợ để ổn định đời sống của các đối tượng yếu thế, những lao động mất việc do ảnh hưởng của đại dịch; hỗ trợ các doanh nghiệp về miễn giảm thuế, vay vốn chính sách…

*Cần linh hoạt, hạn chế áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan

Cử tri Hồ Chí Thanh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cà Mau cho rằng, không khí làm việc nghiêm túc, tích cực của các vị đại biểu trong Kỳ họp Quốc hội lần này nói chung và trong buổi chiều 25/7 nói riêng. Đặc biệt là việc Quốc hội quyết định rút ngắn thời gian kỳ họp thứ nhất để tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung cao độ kiểm soát dịch COVID-19 là thật sự cần thiết.

Bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các báo cáo về kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm và những giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2021.

Trước tác động của đại dịch COVID-19 thì những giải pháp đã nêu là phù hợp, tuy nhiên cử tri cũng cho rằng, cần phải đưa ra những dự báo cụ thể hơn nữa, đặc biệt là các kịch bản phục hồi sau đại dịch, bởi xu hướng xã hội sau đại dịch rất có thể sẽ thay đổi mạnh mẽ.

Nêu quan điểm về đề xuất bổ sung biện pháp chống dịch đặc biệt trong tình thế cấp bách, trong đó trao cho Chính phủ quyền chủ động được thực hiện các giải pháp đặc biệt, chưa có trong luật, cử tri cho rằng đề xuất này là đúng đắn trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay. “Từ khi dịch bùng phát trở lại đến nay đã khiến nhiều người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn.

Do đó, việc cả hệ thống Chính trị, cộng đồng xã hội cùng chung tay, đồng lòng thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định tới sự ổn định và phục hồi kinh tế”, cử tri Hồ Chí Thanh nói, đồng thời góp ý, phạm vi của các biện pháp cần được quy định chặt chẽ, rõ ràng, xác định trách nhiệm cụ thể tránh chồng chéo.

Cử tri Lê Minh Văn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải và Du lịch Minh Văn nêu ý kiến, quyết liệt phòng, chống dịch là thật sự cần thiết nhưng cần linh hoạt, hạn chế áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan. “Dù tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương mỗi khác, nhưng thiết nghĩ, Chính phủ đưa ra “khung” chung trong phòng, chống dịch.

Từ đó tùy vào tình hình thực tế mà các địa phương có thể áp dụng linh hoạt. Bởi trên hết vẫn là đảm bảo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong lưu thông hàng hóa, không đứt gãy chuỗi cung ứng để thực hiện được mục tiêu kép đề ra”, Cư tri Lê Minh Văn phân tích.

Trước dự báo tăng trưởng quý III khả năng sẽ tiếp tục thấp hơn kế hoạch, khiến triển vọng kinh tế Việt Nam cả năm 2021 trở nên kém lạc quan.

Cử tri cho rằng, không những đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay mà còn rất cần những giải pháp để cho các thành phần kinh tế này có khả năng phục hồi và bứt phá hậu đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục