"Biệt đội cảnh khuyển" - Cộng sự đắc lực của Bộ đội Biên phòng

06:30' - 12/02/2018
BNEWS Khác với giống chó được nuôi ở nhà, các chú chó ở Đội chó nghiệp vụ là giống chó béc giê Đức, rất thông minh, to khỏe và nhanh nhẹn.
Một chú cảnh khuyển đang được huấn luyện nghiệp vụ trên thao trường. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Tới thăm Đội Huấn luyện chó nghiệp vụ thuộc Phòng Tham mưu, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng những ngày chuẩn bị đón Xuân Mậu Tuất 2018, chúng tôi được mục sở thị tinh thần hăng say luyện tập, khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống của các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng và đội chó nghiệp vụ tinh nhuệ với tên gọi “Biệt đội cảnh khuyển”.

Dưới tiết trời mưa phùn, những chú chó béc giê to lớn đang được hướng dẫn luyện tập xếp đội hình, chạy tập thể lực, nhảy qua vòng tròn lửa, nằm im mật phục rồi lao ra truy bắt đối tượng… Những hình ảnh ấn tượng này khiến ai chứng kiến cũng phải trầm trồ khen ngợi.

Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết: Đội chó nghiệp vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng được thành lập từ năm 2011, có 8 huấn luyện viên và 8 chú chó nghiệp vụ, được đào tạo từ Trường Trung cấp 24 Biên phòng thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Đội có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực biên giới biển, đảo; đồng thời phối hợp với lực lượng an ninh trật tự trên địa bàn thành phố làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ trong khám xét các chuyên án về ma túy, cứu hộ cứu nạn, hoạt động diễn tập chống khủng bố…

Khác với giống chó được nuôi ở nhà, các chú chó ở Đội chó nghiệp vụ là giống chó béc giê Đức, rất thông minh, to khỏe và nhanh nhẹn. Những chú chó trong đội đều có những tên gọi rất ngộ nghĩnh như: Đốp, Zin Ku, Mic Zôn, Rô Tô, Ka Zu...; trong đó Ka Zu là chú chó lớn tuổi nhất đã có thâm niên 10 năm phục vụ trong đội.

Đại úy Trần Văn Kiên, Đội trưởng Đội Huấn luyện chó nghiệp vụ, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng chia sẻ: Các chú chó được lựa chọn kỹ càng từ khi mới 1 năm tuổi rồi được đưa vào huấn luyện trong khoảng thời gian 12 tháng.

Mỗi chú chó có một Huấn luyện viên nhận nuôi, chăm sóc, hướng dẫn và sẽ theo sát trong suốt quá trình học tập, thực hiện nhiệm vụ sau này.

Ngoài các động tác cơ bản như nằm, ngồi, đứng, bò, chó nghiệp vụ còn được huấn luyện các môn học thể lực, giám định nguồn hơi, truy vết, lùng sục, canh gác bảo vệ, huấn luyện kỷ luật, chạy vật cản nhảy qua mái nhà, hố châu mai, tường rào… và các chương trình riêng đặc biệt theo từng nhiệm vụ.

Mỗi môn học đều có các phần kiểm tra, chó được huấn luyện phải đạt điểm yêu cầu sau 1 năm học, huấn luyện viên và chó nghiệp vụ mới được tốt nghiệp. Sau đó, các chú chó sẽ ra tác chiến thực tế ngoài hiện trường.

“Biệt đội cảnh khuyển” đã có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới biển, đảo. Ảnh minh họa: Hồ Cầu - TTXVN

Những năm qua, “Biệt đội cảnh khuyển” đã có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới biển, đảo; làm tốt công tác tuần tra, phối hợp giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn, tham gia phá nhiều chuyên án quan trọng.

Đặc biệt, năm 2015, hai chú chó nghiệp vụ của đội đã phối hợp với Công an quận Sơn Trà truy bắt được hai đối tượng trộm cắp đường dây cáp điện ở khu vực bán đảo Sơn Trà.

Đặc biệt, năm 2017, “Biệt đội cảnh khuyển” đã vinh dự được Tiểu ban An ninh bảo vệ APEC 2017 giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn; phối hợp với các đơn vị tuần tra dọc tuyến biên giới khu vực biển, đảo để đảm bảo an toàn cho sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

“Biệt đội cảnh khuyển” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thành công chung của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Chó là loài vật trung thành và khôn ngoan, nếu được huấn luyện tốt sẽ trở thành vũ khí đắc lực góp phần trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Vừa cho chú chó Zin Ku (4 tuổi) thực hiện xong các bài tập nhảy qua vòng lửa, đi trên tường cao, Huấn luyện viên Nguyễn Văn Chiều chia sẻ: Để huấn luyện được một chú chó nghiệp vụ giỏi, có sức khỏe tốt, ngoài việc phải chăm sóc chó theo đúng quy trình, huấn luyện viên phải phải xem chó nghiệp vụ như một người bạn, người đồng đội bởi đặc thù của giống chó này chỉ tuân lệnh, nghe sự điều khiển của chính người huấn luyện nó.

Mỗi chú chó nghiệp vụ cũng phải tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện hằng ngày như một chiến sỹ và có hồ sơ theo dõi riêng. Đại úy Nguyễn Hữu Thứ, Huấn luyện viên chú chó Rô Tô thuộc “Biệt đội cảnh khuyển” kể câu chuyện thú vị: Năm đầu tiên nhận công tác, chỉ huy đơn vị tạo điều kiện cho anh về quê ăn Tết, Rô Tô được bàn giao cho huấn luyện viên khác chăm sóc tạm thời.

Vừa về được hai ngày, anh nhận tin báo, Rô Tô bỏ ăn, nằm co ro một góc, không ra ngoài, sức lực yếu dần. Trước tình hình trên, anh tức tốc quay trở lại đơn vị. Khi vừa tới đơn vị, nghe tiếng anh từ xa, Rô Tô bật dậy sủa vang và tỏ ra rất vui mừng.

Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng khẳng định: Chó nghiệp vụ là cộng sự đắc lực của những người lính Biên phòng. Những chú chó nghiệp vụ cũng là vũ khí đặc biệt của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong bảo vệ mục tiêu, truy bắt tội phạm và đấu tranh phát hiện các đối tượng cất giấu ma túy, giám định nguồn hơi tìm đối tượng đang lẩn trốn...,góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục