"Giải mã" những nhân tố đưa Việt Nam liên tục xuất siêu sang Canada

14:05' - 05/04/2016
BNEWS Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada Hoàng Anh Dũng cho biết có 5 nguyên nhân chính giúp Việt Nam vươn lên đứng đầu ASEAN về buôn bán với Canada.
Chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao là một trong những lý do chính giúp xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về trao đổi thương mại với Canada trong năm 2015 với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,709 tỷ USD, tăng 23,9% so với năm 2014.

Cụ thể, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada, trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 3,196 tỷ USD, tăng 24,8% so với năm 2014, còn kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Canada đạt 513 triệu USD, tăng 18,7% so với 2014.

So với các nước ASEAN, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Canada đang dẫn đầu bảng, tiếp theo là Thái Lan (3,127 tỷ USD), Indonesia 2,732 tỷ USD và Malaysia 2,687 tỷ USD. Đứng cuối bảng là Brunei 5,8 triệu USD) và Lào (23 triệu USD).

Về tốc độ tăng trưởng thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Canada sang Campuchia tăng nhanh nhất (tăng 193,6%, nhưng chỉ đạt 20 triệu USD), trong khi nhập khẩu của Canada từ Myanmar tăng 67%, đạt 21 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada gồm đồ gỗ, dệt may, giày dép, thủy hải sản, máy in các loại, cáp điện, điện thoại, thiết bị viễn thông, cà phê, hạt điều, phương tiện vận tải và phụ tùng, cao su các loại, sản phẩm nhựa, rau củ, quả,...

Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu chính là phân bón, thủy hải sản, đậu tương và hạt có dầu, linh kiện, phụ tùng máy bay, lúa mỳ, phương tiện vận tải và phụ tùng, nhôm và sản phẩm nhôm...

Như vậy, sau nhiều năm, đây là lần đầu tiên Việt Nam vươn lên dẫn đầu ASEAN trong trao đổi thương mại với Canada. Đây là một bước tiến vượt bậc của Việt Nam nếu nhìn lại ba năm trở lại đây, khi Việt Nam tăng dần từ vị trí thứ tư năm 2013 lên thứ ba năm 2014, sau hai đối thủ rất mạnh là Thái Lan và Indonesia.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada Hoàng Anh Dũng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi ngoạn mục này, nhưng có 5 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam nhằm đa dạng nguồn cung và giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường Canada, nhất là khâu nghiên cứu thị trường, thâm nhập thị trường, tìm kiếm đối tác.

Thứ ba là chất lượng sản phẩm của Việt Nam được nâng cao và khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường Canada, không chỉ với các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy hải sản, cà phê, hạt điều... mà còn với các sản phẩm công nghệ cao.

Nguyên nhân thứ tư, theo ông Hoàng Anh Dũng, là những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong việc thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Canada, thể hiện rõ qua việc các sản phẩm máy móc, thiết bị điện và điện tử vươn lên đứng đầu cả về giá trị và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, đạt 807 triệu USD và tăng 208,9% so với năm 2014.

Nguyên nhân cuối cùng được Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada nhấn mạnh là công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam dần đi vào chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, đặc biệt là sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cũng như sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công thương và các vụ, cục chức năng của Bộ.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Canada trong thời gian tới, ông Hoàng Anh Dũng cho rằng dư địa còn rất nhiều. Ông Dũng cho hay dư địa phát triển còn rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Mặc dù năm 2015 Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 16 của Canada xét về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, nhưng cũng mới chỉ chiếm 0,45% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Canada.

Việc Chính phủ Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, cũng là một thuận lợi rất lớn khác.

Đồng thời, ông Dũng cho biết việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho quan hệ Việt Nam - Canada, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, thương mại do những cam kết cắt giảm thuế sâu trong TPP và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải dần nâng cao năng lực cạnh tranh trong một sân chơi lớn.

Để phát huy các thế mạnh sẵn có và tận dụng những tiềm năng, cơ hội mới trong thúc đẩy thương mại với Canada, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, yếu tố chính quyết định thành công của các doanh nghiệp.

Khả năng cạnh tranh không chỉ thông qua việc nâng cao chất lượng, giá thành, mẫu mã sản phẩm, mà còn ở tính chuyên nghiệp trong quản lý, giao dịch, xử lý thông tin, cũng như chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thiết lập quan hệ với các đối tác.

Xem thêm:

Việt Nam liên tục xuất siêu sang Canada

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục