"Làn gió" mới thúc đẩy đầu tư vào các cụm công nghiệp trong cả nước

10:43' - 18/11/2017
BNEWS Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP (Nghị định 68) về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Dây chuyền sản xuất linh kiện ôtô, xe máy tại Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp đến năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước sẽ có gần 1.500 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 49.000 ha, tăng gấp đôi so với thời điểm hiện nay.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP (Nghị định 68) về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Nhiều địa phương đánh giá, chính sách mới sẽ giúp cho việc quản lý và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đạt hiệu quả hơn.

* Vì sao khó thu hút đầu tư ?

Ninh Bình là một trong nhiều địa phương triển khai tốt thu hút đầu tư và phát triển cụm công nghiệp.

Hiện nay, Ninh Bình có khoảng 25 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 950 ha.

Theo ông Lê Văn Hoan, đại diện Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá nhanh.

Một số cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy cao, như: Ninh Phong, Ninh Vân...

Nhiều cụm cũng đang tạo sức hút mạnh mẽ với các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giúp địa phương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu sản xuất tập trung như làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân; phát triển nghề truyền thống như nghề cói ở cụm công nghiệp Đồng Hướng, nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở cụm làng nghề Ninh Phong...

Tuy nhiên, qua khảo sát, vẫn còn một số cụm công nghiệp khó thu hút cơ sở sản xuất kinh doanh vào hoạt động cũng như khó thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp.

Nhiều cụm công nghiệp vẫn chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng đường nội bộ, cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải…. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi đủ mạnh.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 33 cụm công nghiệp đã được thành lập, nhưng chỉ có 2 cụm Lương Điền và Ba Hàng có chủ đầu tư hạ tầng và cũng mới đầu tư xây dựng xong hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước.

Trong khi đó, 31 cụm công nghiệp còn lại đều chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung…

Chất lượng quy hoạch cụm công nghiệp chưa cao, khả năng dự báo, tính toán nhu cầu quy hoạch và khả năng đáp ứng các nguồn lực để thực hiện quy hoạch còn chưa sát thực tế, phù hợp thực tiễn ở địa phương đã khiến cho không ít cụm công nghiệp bị “bỏ ngỏ”.

Theo đánh giá của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), việc triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp nhìn chung còn chậm, gặp nhiều khó khăn.

Số cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút các dự án đầu tư mới đạt 42,3% so với trong quy hoạch.

Vấn đề bảo vệ môi trường trong cụm công nghiệp cũng chưa được các địa phương, chủ đầu tư quan tâm, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.

Đa số các cụm công nghiệp chưa xây dựng khu vực tập trung rác thải, hệ thống xử lý nước thải.

Cả nước chỉ có 98 cụm công nghiệp có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động (chiếm 15,7% số cụm công nghiệp đi vào hoạt động).

Trong khi đó, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đa số các cụm công nghiệp nằm ở địa bàn nông thôn, vị trí không thuận lợi về giao thông, hạ tầng cơ sở xung quanh yếu kém...

* Nhiều hỗ trợ hơn để thu hút đầu tư

Nghị định 68 có hiệu lực từ 15/7/2017 được xem là sẽ khắc phục những tồn tại trước đây.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng Quản lý Cụm công nghiệp – Cục Công Thương địa phương, Nghị định 68 quy định một số điểm mới như: có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các cụm công nghiệp; xác định chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở những địa bàn kinh tế- xã hội khó khăn; tiêu chí quy hoạch thành lập cụm công nghiệp chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, Nghị định 68 cũng phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Sở Công Thương, UBND cấp huyện về nguyên tắc đầu mối trong quản lý cụm công nghiệp.

Đồng thời, có cơ chế báo cáo thống kê xây dựng dữ liệu; cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua thực hiện quy tắc một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính…

"Đây không phải “cây đũa thần”, có thể ngay lập tức giúp cho việc quản lý và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, nhưng sẽ là một làn gió mới, với những ưu đãi hơn, nhằm thúc đẩy việc đầu tư vào các cụm công nghiệp.", ông Thịnh nói.

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 68 là ưu đãi lớn cho các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, sẽ được miễn tiền thuê đất 11 năm.

Bên cạnh đó, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp làng nghề cũng được miễn tiền thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư.

Còn dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề được miễn tiền thuê đất 15 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư…

Theo ông Tạ Văn Động, Giám đốc doanh nghiệp Gỗ mỹ nghệ Trường Sơn tại cụm công nghiệp làng nghề Ninh Phong (tỉnh Ninh Bình), với những chính sách cởi mở, nhiều ưu đãi, thời gian tới, nhiều doanh nghiệp làng nghề của Ninh Bình sẽ có động lực hơn trong việc chuyển hướng đầu tư ra các cụm công nghiệp; tiến tới sản xuất tập trung, giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề.

Tại buổi tập huấn, trao đổi thực hiện Nghị định số 68 và các Văn bản hướng dẫn cho các Sở Công Thương được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 68 mới có hiệu lực được kỳ vọng sẽ mang lại sức hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, do là quy định mới nên vẫn còn những vướng mắc trong quá trình triển khai. Đơn cử như các vấn đề về thuế, các thủ tục đầu tư, cấp phép và những ưu đãi…

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị định 68, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những vướng mắc.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự thừa hành từ các Sở Công Thương địa phương.

Các Sở địa phương phải bắt tay vào triển khai tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, việc nào khó thì tiếp tục tháo gỡ, để làm sao thực sự có chuyển biến về thu hút đầu tư cụm công nghiệp trong thời gian tới đây.

Bên cạnh Nghị định 68, Chính phủ cũng đã có Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”...

Để phát triển cụm công nghiệp, các địa phương có thể huy động thêm nguồn lực từ các chương trình này.

Cục Công Thương cho biết, thời gian tới, cũng sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 68 làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.

Cục Công Thương địa phương sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến bằng nhiều hình thức tới các Sở Công Thương địa phương để làm sao thống nhất được các quan điểm, quy định trong Nghị định này/.

Xem thêm:

>>>Sớm giải phóng mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp tập trung tại Hậu Giang

>>>Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần: Cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục