Doanh nghiệp Việt Nam "chinh phục" thị trường Bỉ: Câu chuyện thành công đầy cảm hứng

18:17' - 01/04/2025
BNEWS Các doanh nghiệp Việt Nam đã mang đến những câu chuyện thành công đầy cảm hứng, thể hiện sự năng động, sáng tạo và khát vọng vươn tầm quốc tế.

Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ (VBAB) và Liên minh Việt-Bỉ (BVA) đã tổ chức thành công buổi tọa đàm kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ, thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp hai nước.

Sự kiện này không chỉ là diễn đàn giao lưu, mà còn là nơi các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế, chia sẻ những câu chuyện thành công đầy cảm hứng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp Việt Nam đã mang đến những câu chuyện thành công đầy cảm hứng, thể hiện sự năng động, sáng tạo và khát vọng vươn tầm quốc tế.

Tập đoàn Nam & Son gây ấn tượng mạnh với dịch vụ sauna nhà tắm tại gia độc đáo, thể hiện sự đổi mới không ngừng. EmaxSolar chinh phục thị trường Bỉ bằng tốc độ xử lý đơn hàng nhanh chóng, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Chủ tịch VBAB Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc điều hành công ty Sir Taillor với nhiều thương hiệu dệt may, khẳng định vị thế nhờ sự bền bỉ và kiên trì.

Câu chuyện về nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt, cho thấy sự năng động và tư duy đổi mới của thế hệ doanh nghiệp trẻ. Anh Quách Hoàng Thái, đồng sáng lập và giám đốc marketing của Linsan, là một minh chứng điển hình cho sự vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Công ty Linsan, có trụ sở tại Cộng hòa Séc, đã ghi dấu ấn với việc trở thành công ty đầu tiên xuất khẩu gạo ST25 - "gạo ngon nhất thế giới" - sang châu Âu, đồng thời cung cấp đa dạng nông sản Việt như dừa tươi, bưởi da xanh, thanh long, vải... đến các hệ thống phân phối khắp châu Âu. Với kế hoạch đầy tham vọng đến năm 2025, Linsan đặt mục tiêu xuất khẩu 500 tấn vải tươi từ Tân Yên sang châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh đó, Linsan đang triển khai dự án MOVA tại châu Âu, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc mở rộng thị trường. Anh Quách Hoàng Thái chia sẻ: "Năm ngoái, chúng tôi đã mở một nhà máy tại Pháp". Anh cho biết mục tiêu của Linsan là mở rộng thị trường MOVA tại các quốc gia châu Âu và các thành phố lớn - nơi có thể giới thiệu các sản phẩm Việt Nam của mình.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) thực phẩm, Linsan đã xây dựng mạng lưới vững chắc với hơn 8.000 sản phẩm, 250 nhà cung cấp và 1.600 khách hàng B2B, trở thành cầu nối hiệu quả đưa nông sản Việt Nam vươn xa.

Anh Quách Hoàng Thái khẳng định đối với Linsan, “giải thưởng lớn nhất không nằm ở doanh số hay con số xuất khẩu mà chính là giải thưởng tinh thần, khi thấy người Việt Nam, người châu Âu tin dùng và công nhận chất lượng của nông sản Việt”. Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực chinh phục thị trường Bỉ và châu Âu, mà ngày càng nhiều doanh nghiệp Bỉ cũng nhìn nhận Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội hợp tác hấp dẫn.

Ông Maxime Heylen, Giám đốc điều hành công ty Far Logistics, đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến thị trường Việt Nam. Theo ông, đây là một buổi nói chuyện rất thú vị, là cơ hội tuyệt vời để ông có thêm hiểu biết về các quy định của Việt Nam, cả về phía nhập khẩu và xuất khẩu.

Ông Heylen chia sẻ do làm việc trong lĩnh vực logistics, nhiệm vụ của ông là thông báo cho khách hàng hằng ngày về những gì đang diễn ra trong khía cạnh kinh tế của doanh nghiệp.

 

Ông Philippe Mairlot, Giám đốc điều hành công ty Mage Mar International, cũng bày tỏ lạc quan về tiềm năng hợp tác với Việt Nam. Ông nhấn mạnh: "Lợi thế là Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao. Với tư cách là một nhà khai thác logistics, tôi tin rằng Việt Nam sẵn sàng phát triển hơn nữa. Chúng tôi đã làm voieejc rất nhiều ở châu Á và rất nhiều với Trung Quốc, với hàng nghìn container. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để tôi thực sự đầu tư vào Việt Nam".

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ, các đại diện thương mại và nông nghiệp của Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) đã có những trao đổi sâu sắc với các doanh nghiệp tham dự. Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU, cùng ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU, đã tập trung vào việc phân tích các cơ hội và thách thức mà Hiệp định EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp.

Các Tham tán nhấn mạnh rằng EVFTA đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường EU. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng thị trường EU có những quy định nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn và tiêu chuẩn kỹ thuật. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiêm túc tuân thủ các quy định này nếu muốn thành công tại thị trường này.

Ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh việc tuân thủ các quy định của EU không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là chìa khóa để xây dựng uy tín và thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. Ông Trần Văn Công cũng cho rằng đối với ngành nông sản, việc đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc là vô cùng quan trọng để có thể cạnh tranh tại thị trường EU.

Các Tham tán cũng khẳng định cam kết của cơ quan đại diện Việt Nam tại Bỉ và EU trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và tuân thủ các quy định của thị trường EU.

Theo thống kê, kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam - EU đạt 68,4 tỷ USD trong năm 2024, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng gần 47,5% so với năm 2020.

Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Bỉ tăng trưởng trở lại, đạt 4,45 tỷ USD, trở thành năm có kim ngạch cao thứ 2 từ trước tới nay. Thương mại Việt Nam - Bỉ đã trở thành một trong những quan hệ thương mại quan trọng nhất của Bỉ tại châu Á.

Bỉ hiện có 100 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ hậu cần và năng lượng tái tạo, đứng thứ 23 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và thứ 6 trong tổng số 27 nước thành viên EU có đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, nông nghiệp là điểm sáng trong hợp tác song phương.

Trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp được thiết lập từ năm 2018, hai nước đang triển khai nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật giữa các trường, viện nghiên cứu nông nghiệp; phát triển hệ thống hậu cần đường thủy phục vụ xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang châu Âu; thúc đẩy triển khai chuỗi logistics lạnh thông minh, hợp tác phát triển ngành cacao và trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy sự bổ trợ kinh tế ngày càng tăng giữa hai nước và tiềm năng hợp tác to lớn.

Buổi tọa đàm kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, góp phần thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Sự kiện này là minh chứng cho sự năng động, sáng tạo và khát vọng vươn tầm quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục