9 tháng đầu năm, số than Việt Nam nhập khẩu tăng cao

15:20' - 24/10/2016
BNEWS Từng là nước xuất khẩu, nhưng 9 tháng qua Việt Nam đã nhập 10,5 triệu tấn than, tăng khoảng 147% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (giữa) và ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV (trái) tại buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 24/10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) Nguyễn Khắc Thọ cho biết, từng là nước xuất khẩu, nhưng 9 tháng qua Việt Nam đã nhập 10,5 triệu tấn than, tăng khoảng 147% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Thọ, mục tiêu của ngành than là khai thác hiệu quả phục vụ tốt nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngành đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do những năm gần đây giá than thế giới giảm sâu và kéo dài.

Bên cạnh đó, ngành than ngày càng khai thác xuống sâu dưới lòng đất, vận tải ngày càng xa nên chi phí lớn. Việc khai thác không đáp ứng được nhu cầu trong khi nhiều nhà máy nhiệt điện than đi vào vận hành dẫn đến nhu cầu đối với mặt hàng này tăng cao.

Lý giải thêm về việc nhập khẩu than tăng đột biến trong 9 tháng qua, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, trong điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, không đáp ứng đủ nhu cầu;

Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, nhu cầu tiêu thụ than trên toàn cầu chậm lại, trong khi năng lực sản xuất than của nhiều nước còn cao, nên giá than trên thị trường quốc tế giảm mạnh. Đó là lý do khiến lượng than nhập khẩu về Việt Nam tăng.

Các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu là Tổng Công ty Đông Bắc và TKV nhập bổ sung từ các thị trường như Trung Quốc, Nga, Australia…. Sau đó phối trộn với than chất lượng thấp hơn trong nước để bán cho các nhà máy nhiệt điện.

Giá than thế giới hiện thấp hơn giá thành sản xuất than trong nước. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Việc nhập khẩu này trong bối cảnh giá thế giới giảm sâu cũng tạo điều kiện cho các đơn vị tăng chiết khấu, giảm giá cho khách hàng. Đây cũng là nhiệm vụ của Chính phủ giao trong việc đáp ứng nhu cầu than trong nước và phát triển kinh tế.

Ông Biên cũng giãi bày, tình hình sản xuất, kinh doanh của TKV hiện hết sức khó khăn dù toàn ngành đã và đang thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, cũng như nâng cao quản trị doanh nghiệp để tiết kiệm tối đa.

Trong 9 tháng qua, sản lượng than nguyên khai thực hiện toàn Tập đoàn đạt 26,7 triệu tấn, bằng 67% kế hoạch năm; sản lượng than tiêu thụ đạt 25,7 triệu tấn, tương đương gần 80% kế hoạch. Tuy nhiên, than tồn kho đang ở mức khá cao, lên tới 10,8 triệu tấn; trong khi lại thiếu than sạch phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước.

Trong bối cảnh trên, các loại thuế, phí trong giá thành than khai thác trong nước các năm gần đây liên tục tăng. Chỉ tính riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn 7 - 10% so với các nước trong khu vực, trong khi thuế xuất khẩu than của nhiều nước là 0%, thuế nhập khẩu than vào Việt Nam hiện nay là 0%.

Vì vậy, than các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh đã gây sức ép lên thị trường tiêu thụ than trong nước, buộc TKV phải giảm sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm cho người lao động. Trước tình hình này, TKV đã có những thay đổi trong điều hành sản xuất, kinh doanh để vừa đảm bảo phát triển ngành than, vừa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo việc làm cho cán bộ và công nhân mỏ.

Ông Nguyễn Khắc Thọ cho hay, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng, cùng với việc yêu cầu TKV giảm chi phí để cạnh tranh trên thị trường, vẫn cần tiếp tục nhập khẩu than cho điện. Việc nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện là nhiệm vụ hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Quy hoạch, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng lớn từ sau năm 2017 và tăng mạnh từ năm 2020, chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, bao gồm cả than Antraxit và than nhiệt năng. Việc nhập khẩu than cho điện đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao cho Bộ Công Thương thành lập Ban chỉ đạo nhập khẩu than để thu xếp nhập khẩu than sau này, đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bên cạnh việc chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ, TKV cũng đề xuất Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, giải quyết sớm những kiến nghị của Tập đoàn; trong đó có các khó khăn về chính sách thuế, phí tài nguyên, phí cấp quyền khai thác; công tác quy hoạch các đầu mối nhập khẩu than, chính sách thuế đối với than nhập khẩu để đảm bảo bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất và tăng tiêu thụ than tại thị trường trong nước.

Tại buổi tọa đàm này, ông Thọ cũng cho biết, Bộ Công Thương đã công bố điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

Theo quy hoạch này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 269.000 tỷ đồng, bình quân 17.934 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung cho đầu tư mới và cải tạo mở rộng... được thu xếp từ các nguồn tự có, vốn vay thương mại, vay ưu đãi và huy động qua các kênh chứng khoán...

Ông Thọ khẳng định, quan điểm phát triển tại quy hoạch này là khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, quy hoạch nêu rõ ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục