ADB ưu tiên hỗ trợ vốn vay cho 3 trụ cột chính của Việt Nam

14:57' - 11/10/2016
BNEWS Tại cuộc họp báo chiến lược đối tác Quốc gia 2016 – 2020 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức tại Hà Nội, ADB cho biết, giai đoạn này ngân hàng sẽ hỗ trợ Việt Nam ở 3 trụ cột chính.
Công nhân sản xuất cơ khí ô tô tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Trụ cột thứ nhất là thúc đẩy tạo việc làm nhằm đẩy mạnh hội nhập thông qua hình thức đào tạo giáo dục, nghề; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trụ cột thứ 2 là phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ thông qua việc quản lý nguồn nước, tiếp cận dịch vụ, kết nối giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi…

Trụ cột thứ 3 là cải thiện bền vững môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, nguồn lực dự kiến giai đoạn 2016 – 2020 cụ thể như sau: cho vay Chính phủ 1 tỷ USD/năm; hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại là 5 – 7 triệu USD/năm; nguồn vốn huy động (đồng tài trợ từ các đối tác phát triển và các quỹ khí hậu) là khoảng 1,4 tỷ USD trong danh mục dự kiến. Phương thức cho vay theo dự án; chính sách và cho vay dựa vào kết quả.

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick cho rằng, nông nghiệp tuy không phải là lĩnh vực nằm trong 3 trụ cột chính nhưng ngân hàng vẫn tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho vay.

Lĩnh vực này phụ thuộc vào yêu cầu của Chính phủ và địa phương. Tuy nhiên, vốn vay kém ưu đãi hơn. ADB mong muốn giúp xây dựng hạ tầng nông nghiệp tiếp cận thị trường, đặc biệt phát triển du lịch theo hình thức cộng đồng (du lịch homestay). 

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế ADB, giai đoạn vừa qua, Việt Nam đạt được nhiều kết quả tốt: tăng trưởng kinh tế duy trì cao, giảm nghèo thành công. Nhưng ADB cũng cho rằng, Việt Nam cần tính tới yếu tố bền vững trong phát triển kinh tế để không tạo hệ lụy cho những năm tiếp theo.

Hiện Việt Nam phải giải quyết 2 vấn đề để giảm áp lực nợ công là tăng thu và quản lý hiệu quả chi ngân ngân sách.

Do đó, việc rà soát lại nguồn thu để xác định được nghĩa vụ thuế đối với khu vực, đối tượng còn dư địa thu là cần thiết. Theo đó, Việt Nam cần tìm ra giải pháp thu thuế phù hợp, giúp duy trì mức thuế suất và mở rộng diện đóng thuế từ công ty lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vi mô….

Đối với chi ngân sách, Việt Nam xây dựng hệ thống lập kế hoạch chi tiêu công; quản lý tài sản cơ sở hạ tầng; có hệ thống đánh giá và giải trình trách nhiệm quản lý công.

Chuyên gia kinh tế của ADB cũng cho rằng, Việt Nam hiện có 3 vấn đề cần giải quyết bao gồm năng suất thấp và phân bổ nguồn lực không hiệu quả; bất bình đẳng trong tiếp cận cơ sở hạ tầng; ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên bền vững. Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn: Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cũng cần tính tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục