Ấn Độ thêm nỗ lực trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc tại châu Phi

09:39' - 26/10/2015
BNEWS Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm tạo lập chỗ đứng ở một lục địa mà Trung Quốc đã hiện diện mạnh mẽ từ lâu.
Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - châu Phi

Bắt đầu từ ngày 26/10, thủ đô New Delhi của Ấn Độ sẽ đón tiếp hàng chục nguyên thủ quốc gia châu Phi nhân một Hội nghị thượng đỉnh hiếm hoi giữa "lục địa Đen" và cường quốc Nam Á này.

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - châu Phi phải diễn ra từ tháng 12/2014, nhưng do dịch bệnh Ebola bùng lên tại châu Phi, cuộc họp đã được lùi thời hạn, và sẽ diễn ra trong các ngày 26-29/10.

Với hơn 40 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ đã nhận lời mời đến dự, hội nghị này sẽ là cuộc tập hợp đông đảo lãnh đạo nước ngoài nhất tại Ấn Độ từ năm 1983 đến nay. Hội nghị là dịp để Ấn Độ cho thấy quyết tâm phát triển mạnh hơn nữa quan hệ với châu Phi.

Đối với Ấn Độ, châu Phi có một tầm quan trọng rất lớn vì có thể là nguồn cung ứng nguyên liệu và nhiên liệu mà nền kinh tế Nam Á này rất cần, tương tự như trong trường hợp của Trung Quốc.

Ấn Độ phải nhập khẩu đến 80% lượng dầu sử dụng, và đang nhắm đến Nigeria (Ni-giê-ri-a) và Angola (An-gô-la) để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Trung Đông. Ấn Độ cũng nhập khẩu từ châu Phi các loại khoáng sản, kim loại, đá quý và hóa chất.

Vấn đề là, tại châu Phi, Ấn Độ đã bị lép vế hẳn so với Trung Quốc. Vào năm 2014 chẳng hạn, trao đổi thương mại Trung Quốc - châu Phi lên đến 200 tỷ USD, tức là cao hơn cả GDP của 30 quốc gia nhỏ nhất châu Phi gộp lại.

Trong khi đó, thương mại giữa Ấn Độ và châu Phi chỉ ở mức 70 tỷ USD. Tuy nhiên, trao đổi thương mại giữa Ấn Độ với châu Phi đang trong chiều hướng tăng lên rõ rệt, với thương mại song phương vào năm 2000 chỉ có 3 tỷ USD nhưng đến năm 2014 đã lên 70 tỷ USD.

Trong hàng thập niên qua, Trung Quốc đã tăng cường tài trợ cho rất nhiều công trình ở châu Phi như sân vận động, bệnh viện, đường cao tốc, để đổi lấy các hợp đồng cung ứng nguyên liệu.

Trong khi đó, Ấn Độ vì không có năng lực tài chính dồi dào như Trung Quốc nên đã nhấn mạnh trên vấn đề chia sẻ kiến thức và công nghệ, cũng như tăng viện trợ phát triển lên 5,4 tỷ USD.

Chiến lược của Ấn Độ cũng là dựa trên các nhà đầu tư tư nhân cỡ nhỏ, chứ không đi theo hướng của Trung Quốc, đầu tư ồ ạt với sự hậu thuẫn của Nhà nước vào các công trình quy mô trong lĩnh vực khai thác mỏ hay công nghệ chế biến.

Lê Minh (Theo Đài RFI)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục