An toàn thực phẩm: Đồ ăn bẩn "bủa vây" chốn học đường

09:43' - 23/04/2016
BNEWS Các loại đồ ăn vặt bày bán vỉa hè rẻ tiền, chất lượng kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây hại đến sức khỏe của học sinh nhưng những đồ ăn này lại vô cùng bắt mắt và dễ "ăn dỗ" trẻ con.
Quà rong trước cổng trường không rõ nguồn gốc xuất xứ luôn thu hút các em học sinh đến mua. Ảnh: Trần Thanh Giang/TTXVN

Dạo quanh các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội rất dễ dàng bắt gặp các cửa hàng, gánh hàng rong mọc lên như nấm "bám" quanh cổng trường.

" Bủa vây" hàng rong, quán cóc

Trường Trung học cơ sở Láng Thượng nằm trên đường Chùa Láng, quận Đống Đa, nơi tập trung nhiều quán vỉa hè. Để bảo vệ sức khỏe cho học sinh cũng như đảm bảo trật tự đô thị cho khu vực, hai bên cổng trường, nhà trường treo biển cấm: “Khu vực trường học: Cấm bán hàng rong, đỗ xe, họp chợ”.

Theo ghi nhận của phóng viên, trưa 20/4 ngay phía dưới hai biển cấm bán hàng rong đó là hai xe hàng rong: một xe bò bía ngọt và một xe đồ ăn nhanh với các loại xúc xích, chả xiên…, còn bên phải là hai quán bán nước ngọt, hoa quả dầm, xoài chua, trà sữa trân châu… đó là những món ăn đồ uống khoái khẩu của các cậu tú, cô tú.

Đến giờ tan học, các học sinh vai đeo khăn quàng đỏ, lưng cõng ba lô mặc đồng phục của trường Trung học cơ sở Láng Thượng bủa vây quanh các quán hàng rong này. Trên tay mỗi cậu tú, cô tú là những xiên chả, gói bò cay, xúc xích và nhai ngon lành mà không biết đồ ăn đó có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không.

Tại cổng trường Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy) thậm chí còn đông vui tấp nập hơn nhiều. Mỗi giờ tan học, những gánh hàng rong trước cổng trường như bị “bao vây” bởi các em học sinh. Ngoài các món quà vặt rẻ tiền, các loại trà sữa, trà sữa trân châu không rõ nguồn gốc… còn có vô số các loại đồ chơi nguy hiểm, bạo lực cũng thu hút sự chú ý của rất nhiều em nhỏ.

Quán giải khát bán rong trước cổng trường học. Ảnh minh họa: vietq.vn

Vừa cầm cốc trà sữa xanh đỏ trên tay hút một hơi dài, em Minh Long, trường Tiểu học Dịch Vọng A vừa vui vẻ cho biết: “Hôm nào mẹ em cũng cho 20.000 đồng để ăn sáng, em thấy trà sữa kiwi trước cổng trường rất ngon nên ngày nào cũng uống. Vẫn còn tiền thừa nên em mua đồ chơi hoặc ăn thêm gà cay”.

Trên thực tế món chúng ta gọi là “trà sữa” đó không chứa sữa cũng không có trà. Thành phần của nó đa phần là kem béo pha lẫn với bột “trà” cùng với các chất phụ gia khác như hương liệu tinh dầu thơm, bột pha màu chế tác thành.


Được biết, “sữa” ở trong trà sữa trân châu nếu so sánh với sữa thật thì thiếu canxi, các loại vitamin B, A, D; hàm lượng protein cũng rất thấp. Những chất dinh dưỡng có ở trong sữa thì trà sữa đều không có mà ngược lại trà sữa chứa đựng một lượng đường, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa lớn, những thành phần này đều không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, thành phần chủ yếu của hạt trân châu chủ yếu là tinh bột lọc, đường cô đặc, hương liệu thực phẩm. Đường cô đặc là một loại chất phụ gia thực phẩm, nhưng hàm chứa nhiều nguyên tố độc hại như thủy ngân (Hg), chì (Pb) và thạch tín (As).

Chuyên gia đặc biệt khuyến cáo, ngoài thành phần độc hại có trong hạt trân châu, nếu dùng không đúng cách còn có thể gây ra hóc chết người.

Chị Lê Thị Liên, phụ huynh một học sinh trường Tiểu học Giảng Võ cho biết: “Vì công việc bận rộn, không chuẩn bị được đồ ăn tại nhà nên tôi thường cho cháu tiền để tự mua đồ ăn sáng, ăn trưa. Tôi cũng khá lo lắng vì các loại thực phẩm trước cổng trường không an toàn nên thường dặn cháu đến ăn ở các cửa hàng lớn, sạch sẽ. Tuy nhiên, cháu vẫn hay tụ tập ăn vặt với bạn bè trước cổng trường”.

Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) là một trong những điểm đầu mối cung cấp nguyên liệu cho các cửa hàng trà sữa di động trên khắp Hà Nội. Từ trân châu, bột trà sữa, các loại hương liệu cho tới vỏ hộp, ống hút…

Chưa bao giờ việc mở một xe trà sữa rong lại dễ dàng đến thế. Vốn bỏ ra ít, lãi nhiều, luôn tấp nập khách hàng và khách hàng lại là đối tượng cực kỳ dễ tính nên các xe dạo kiểu này mọc lên như nấm.
Lòng tham khiến trẻ thành nạn nhân

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, chỉ trong 3 tháng, từ ngày 20/12/2015 – 29/3/2016, Chi cục đã kiểm tra, xử lý 588 vụ vi phạm về chất lượng và an toàn thực phẩm; phạt hành chính 4,89 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy số hàng hóa vi phạm trị giá gần 4,4 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là bánh kẹo, bim bim thực phẩm không rõ nguồn gốc...

Chị Yến, một người bán hàng rong trước cổng trường tiểu học Dịch Vọng A cho biết: “Các cháu rất chuộng bim bim, kẹo dẻo và ô mai Trung Quốc vì đồ vừa rẻ lại có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, hương vị lạ miệng”.

Các loại bim bim, kẹo dẻo Trung Quốc mà chị Yến nhắc đến đều có hết trên tuyến phố Hàng Giày (quận Hoàn Kiếm). Cửa hàng số 5B trên phố này giống như nơi “tập kết” đủ các loại đồ ăn vặt Trung Quốc, từ bim bim bò nướng mật ong, cà phê sợi đến gà cay, gà giòn cay, mì cay… từng bịch đồ ăn này được chất đầy trước cửa, ai đi qua cũng có thể nhìn thấy.

Vào giờ tan học, những quầy hàng bán quà vặt với đủ các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc nhưng bắt mắt thu hút các em học sinh. Ảnh: Phương Nhung.

Nhân viên bán hàng của cửa hàng trên cho biết, các loại đồ ăn, bánh kẹo như vậy họ chỉ bán buôn, không bán lẻ. So với giá bán lẻ từ 3.000-5.000 đồng/gói mà học sinh hay mua trước cổng trường thì giá bán buôn 45.000 đồng/bịch 30 gói gà giòn cay là mức giá rất “mềm”. Tương tự, mì tôm trẻ em có giá 25.000 đồng/bịch 50 gói, mì cay 70.000 đồng/bịch 50 gói, tặng thêm 2 gói mỗi bịch.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc dễ tìm, dễ mua nên cũng dễ “đầu độc”. Chị Trịnh Phương Linh ở quận Thanh Xuân cho biết: “Cháu nhà tôi đang học lớp 3, có lần tôi mua trà sữa cho cháu nhưng cháu không uống, tôi tiếc rẻ uống hết và uống xong thì thấy trong người khó chịu, bụng đau quằn quại, “tào tháo đuổi” cả đêm.

Tôi giận và lo sợ vô cùng vì người lớn sức khỏe tốt mà còn bị ngộ độc như thế thì lỡ có chuyện gì xảy ra với các cháu, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.

Trách nhiệm trước hết là ở người lớn. Công tác kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, những người bán hàng vì ham lợi nhuận mà sẵn sàng mua thực phẩm giá rẻ, chất lượng kém để bán kiếm lời.

Nhiều phụ huynh cho rằng, vấn đề dinh dưỡng học đường cần xã hội nhìn nhận và quan tâm hơn nữa. Chính sự thờ ơ, chấp nhận sống chung với thực phẩm bẩn của một bộ phận không nhỏ người dân và chính quyền địa phương là nguyên nhân khiến tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan nơi học đường tồn tại và kéo dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục