Anh rời EU: Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ thêm rào cản

17:02' - 27/06/2016
BNEWS Theo Bộ Công Thương, nếu Anh rời khỏi EU thì hàng hóa Việt Nam sang Anh qua con đường hiện nay sẽ có thêm trở ngại.
May hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu tại Garco 10. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Trước ảnh hưởng của Anh khi rút khỏi Liên minh châu Âu, chiều 27/6, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, trước mắt sẽ có hai vấn đề bị tác động đó là Anh là một trong những nước thuộc châu Âu có quan hệ thương mại với Việt Nam đứng khá cao.

Trước đây Anh xếp thứ 2 chỉ sau CHLB Đức nhưng mấy năm gần đây, Hà Lan vượt lên và Anh xuống còn đứng thứ 3, 4 trong quan hệ thương mại Việt Nam và Anh.

Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh lại có rất nhiều mặt hàng phải đi qua các nước khác như Hà Lan, Bỉ, Đức….

Đây là 3 nước chính đầu mối để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu chứ không phải xuất khẩu thẳng sang Anh.

Do đó, vấn đề thứ nhất xảy ra là nếu Anh rời khỏi EU thì hàng hóa Việt Nam sang Anh qua con đường hiện nay sẽ có thêm trở ngại.

Lý giải thêm về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ, nếu như trước đây hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tới cửa khẩu Hà Lan, Đức, Bỉ sẽ cập bến thị trường Anh.

Nhưng, tới đây dù vẫn đi theo con đường này nhưng tới biên giới Anh lại có thêm một hàng rào nữa tức là phải làm lại tất cả các thủ tục như thông quan, kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí còn có cả hàng rào kỹ thuật.

Không những vậy, khi Anh đã dựng hàng rào kỹ thuật với EU thì chắc chắn sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Vì thế, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp là đàm phán của EU với Anh dự báo diễn ra trong vòng 2 năm nên trong khoảng thời gian này chưa rõ hàng rào sẽ như thế nào, tạm thời sẽ xử lý ra sao.

Chính từ nguyên nhân này, doanh nghiệp phải thiết kế con đường xuất khẩu khác chứ nếu xuất khẩu theo con đường cũ, vô hình chung sẽ mất rất nhiều chi phí và thời gian vì phải qua một biên giới nữa.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hàng năm Anh nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 700 tỷ bảng nhưng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này chỉ đạt khoảng 5 tỷ bảng Anh, chiếm khoảng 0,5% kim ngạch nhập khẩu của Anh và chiếm khoảng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.

Điều đó cho thấy mặc dù Anh không phải là đối tác quá lớn về phương diện xuất khẩu/thương mại nên tác động ở quy mô lớn là khó xảy ra.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Anh không cao, tuy nhiên phần lớn lượng hàng xuất khẩu đều là các mặt hàng chủ lực như thủy sản; nông sản; thủy sản, dệt may; da giày; gỗ và các sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị và phụ tùng; điện thoại và linh kiện các loại...

Đặc biệt, Anh lại là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, đồng thời là một trong số ít thị trường đơn lẻ nhập khẩu tôm của Việt Nam có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh thị trường khu vực lớn như: EU, ASEAN… sụt giảm kim ngạch.

Anh rời EU: Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh sẽ thêm rào cản. Ảnh: Vũ Sinh–TTXVN

Điều đó cho thấy, việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Hơn nữa, Anh chỉ là một phần thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vào khối EU nên việc Anh không còn là thành viên EU sẽ không ảnh hưởng theo chiều hướng xấu đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn vào thị trường này, hoặc quá phụ thuộc vào thị trường này sẽ bị ảnh hưởng nhất định.

Điều đó cho thấy các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa không nên quá tập trung vào một vào thị trường mà nên đa dạng, mở rộng thị trường từ đó hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại không cần thiết.

Cũng theo ông Đặng Hoàng Hải, điểm thứ hai là đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU hiện đang rà soát các thủ tục pháp lý chứ chưa đến hồi ký kết.

Do đó, nếu như Anh rời khỏi Ủy ban thương mại châu Âu (EC) thì rõ ràng việc phê duyệt Hiệp định này sẽ gặp khó khăn.

Chính vì vậy, theo Bộ Công Thương ngoài việc khuyến cáo doanh nghiệp tìm đường xuất khẩu mới không qua các nước thuộc khối EU thì sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ để ký sớm trước khi Anh rời khỏi EC để tránh những rắc rối cũng như rút ngắn thời gian chờ đợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục