Áp dụng các mô hình quản lý năng suất lao động trong doanh nghiệp

15:52' - 24/06/2016
BNEWS Ngày 24/6, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Áp dụng các mô hình quản lý năng suất lao động trong doanh nghiệp.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo Áp dụng các mô hình quản lý năng suất lao động trong doanh nghiệp. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp, Chính phủ rất quan tâm tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp đó là nâng cao năng suất lao động - một trong những điểm còn yếu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Ông Đặng Quyết Tiến dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, so với 2010, năng suất trung bình của mỗi lao động Việt Nam tăng gần 24% nhưng chưa đủ bù đắp khoảng cách về năng suất với các quốc gia khác trong khu vực.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội của nền kinh tế năm 2015 (tính theo giá hiện hành) đạt 79,3 triệu đồng mỗi lao động, tương đương khoảng 3.660 USD.

Năng suất lao động người Việt đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều, bình quân giai đoạn 2006 - 2015 tăng 3,9% mỗi năm. So với năm 2010, năng suất lao động đã tăng 23,6%, song vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 29 - 32%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cũng nhận định, tốc độ năng suất lao động của Việt Nam trong những năm qua tăng rất cao; trong đó công nghiệp và xây dựng có năng suất cao động cao nhất, khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản năng suất lao động chỉ bằng 1/4 khu vực công nghiệp và xây dựng và chỉ bằng hơn 1/3 năng suất của khu vực dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, năng suất lao động thấp ở khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới năng suất lao động xã hội.

So sánh với một số nước trên thế giới, TS.Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết tại Hoa Kỳ, năng suất lao động tăng ổn định trong một thời gian dài, do phát triển mạnh vài ngành dẫn dắt tăng trưởng , cách mạng về công nghệ thông tin và truyền thông, tập trung sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin.

Đồng thời, Nhà nước tạo động lực cho cách mạng công nghệ thông tin, đầu tư hình thành vốn con người, đổi mới quy trình và quản lý.

Theo T.S Nguyễn Thị Tuệ Anh, bài học kinh nghiệm chung cho mô hình nâng cao năng suất lao động là một môi trường cạnh tranh sẽ tạo điều kiện cần thiết cho tăng năng suất lao động; chất lượng lao động, vốn con người là nền tảng nâng cao năng suất; một hệ thống thể chế cứng nhắc sẽ cản trở khả năng tăng năng suất, ngược lại một thể chế linh hoạt sẽ tạo động lực cho tăng năng suất lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục