Ba thách thức "kìm chân" Việt Nam tăng năng suất

15:51' - 28/04/2016
BNEWS Hiện tại Việt Nam đang phải đối mặt với ba thách thức làm "kìm chân" quá trình tăng năng suất của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM). Ảnh: Đinh Tuấn/BNEWS/TTXVN

Tăng trưởng kinh tế chỉ bền vững khi dựa trên nền tảng năng suất, nền tảng môi trường kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp và người lao động cùng chia sẻ lợi ích từ quá trình tăng trưởng kinh tế.

Đó là các khuyến nghị trong nội dung Báo cáo Điều tra Kinh tế xã hội khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc năm 2016 do Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) công bố ngày 28/4.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tăng năng suất là một bài toán khó đạt cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hiện tại Việt Nam đang phải đối mặt với ba thách thức làm "kìm chân" quá trình tăng năng suất của nền kinh tế.

Thách thức đầu tiên Việt Nam gặp phải đó là tốc độ tăng năng suất giữa các ngành (Nông, lâm, thuỷ sản; công nghiệp – xây dựng; dịch vụ) trong những năm gần đây đã không còn chênh lệch nhiều.  

Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng được đặt rất nhiều hy vọng về tốc độ tăng trưởng, nhưng cải thiện năng suất của ngành này không có nhiều chuyển biến.

Dường như những yêu cầu về cải thiện năng suất của Việt Nam và các chính sách ưu tiên phát triển các nghành ở Việt Nam vẫn còn dàn trải và thiếu trọng điểm.

Thách thức thứ hai đến từ năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Suốt giai đoạn từ 1992 – 2014, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc (4,64%/năm so với 9,07%/năm) và không vượt trội hơn so với các nước ASEAN.

Đáng lo ngại hơn, khi theo một báo cáo về tình hình lao động mới được Liên Hợp Quốc đưa ra hôm 27/4, Việt Nam sắp bước qua khỏi thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”.

Ngoài hai thách thức trên, Việt Nam còn đối mặt với thách thức khi đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) còn hạn chế. Chỉ số năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực còn yếu và đang có hiện tượng "chảy máu" chất xám ra bên ngoài.

Ông Steve Loris Gui-Diby, Chuyên gia kinh tế của UN ESCAP. Ảnh: Đinh Tuấn/BNEWS/TTXVN

Theo cuộc Khảo sát Kinh tế Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Uỷ ban Kinh tế Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP), tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn tiếp theo cần dựa vào tăng năng suất trên diện rộng.

ESCAP nhấn mạnh để làm được điều trên, các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần chi tiêu tài khoá tập trung hơn, cần nâng cao kỹ năng hơn, thay đổi cơ sở hạ tầng tốt hơn và cải thiện năng suất ngành nông nghiệp.

Theo ông Steve Loris Gui-Diby, Chuyên gia kinh tế của UN ESCAP, để có thể thúc đẩy năng suất, Việt Nam và các nước châu Á – Thái Bình Dương nên áp dụng cách tiếp cận xuyên ngành và lồng ghép.

Việt Nam cần cải thiện về kiến thức và kỹ năng cho người lao động để hấp thụ nguồn lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục