Bài học đắng từ phát triển nóng cao su

11:48' - 28/11/2015
BNEWS Khi giá sốt, cao su phát triển. Cao su đã phát triển đến mức không chỉ vượt quy hoạch mà vượt ra khỏi vùng được quy hoạch.
Ông Nguyễn Đức Nhân kiểm tra vườn cao su với diện tích 22 ha tại thị xã Đồng Xoài đang cho thu hoạch. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Khi giá sốt, cao su phát triển. Cao su đã phát triển đến mức không chỉ vượt quy hoạch mà vượt ra khỏi vùng được quy hoạch. Nhiều địa phương thấy các địa phương lân cận trồng được cũng trồng dù không có quy hoạch. Sự phát triển quá nóng của cao su trước đây đã cho thấy không phải cứ có khả năng trồng được là cứ thế trồng, cứ thế canh tác.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, lúc thị trường lên cao, nhiều địa phương, công ty thấy trồng cao su có lãi nên bản thân địa phương, người dân đã phá vỡ quy hoạch. Cao su tiểu điền đã bị “bung” ra cả vùng gió bão, rét đậm rét hại. Rõ ràng có quy hoạch, nhưng việc thực hiện quy hoạch đã bị thị trường, giá cả, lợi nhuận trước mắt gây làm vỡ và vượt quy hoạch.

Có những vùng không thể trồng được cao su (do rét) nhưng nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, khu vực Đông Bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… (không có quy hoạch trồng cao su) cũng thử nghiệm với những giống cao su chịu được rét, diện tích lại được mở. Khi thấy người bên cạnh trồng được, lãi nhanh, bán được giá thì cũng đua trồng và nhanh chóng lan ra.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, đúng ra địa phương phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể để có những điều chỉnh để đảm bảo sản xuất bền vững ổn định và phù hợp với phát triển chung của cả nước.

Trên thực tế lại không diễn ra như vậy. Các tỉnh Đông Bắc không được đưa vào diện quy hoạch cũng phát triển cao su. Khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đề nghị các tỉnh Tây Bắc nhưng cũng chỉ với 15.000 ha vì vùng này mới có khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng phù hợp.

“Nhưng vì lợi ích của địa phương, nhiều địa phương đã xin bổ sung quy hoạch với lý do đơn thuần là các tỉnh (được quy hoạch) cũng cận kề địa phương mình trồng được thì tại sao không cho địa phương mình trồng”, ông Ngọc bày tỏ.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó phụ trách Phòng Cây công nghiệp, Cục Trồng trọt, cũng cho biết, diện tích cao su phát triển ở Đông Bắc chủ yếu là các công ty và địa phương phối hợp để thử nghiệm trồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ xác định các tỉnh đó là trồng thử nghiệm. Từ trước đến nay, Bộ vẫn chỉ đạo là không khuyến khích phát triển cao su ở vùng Đông Bắc.

Các địa phương dứt khoát không mở rộng diện tích cao su, kể cả tại các vùng được quy hoạch ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Nhưng cao su là cây đa mục tiêu (sử dụng trong cả mục đích trồng rừng) nên nhiều địa phương đã phát triển cây trồng này.

Tuy nhiên, sau nhiều năm cao su liên tục giảm giá, thị trường ảm đạm, địa phương lại có tình trạng chặt cao su để trồng các loại cây trồng khác. Ông Nguyễn Quốc Mạnh cho biết, từ đầu năm đến nay có khoảng 6.000 ha cao su bị chặt, chủ yếu các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông. Nhưng diện tích bị chặt này không phải là diện tích cao su đang được khai thác tốt. Đây chủ yếu là diện tích cao su già, hết thời kỳ khai thác có thể chặt đi để chuyển đổi sang một số cây trồng khác, đặc biệt khi tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ, cây tiêu đang có giá tốt.

Cũng có một số diện tích cao su bị chặt do trồng giống không phù hợp. Phần nhỏ nào đó cao su bị chặt do việc xây dựng các trang trại, phát triển kinh tế khác. Nông dân không chặt các vườn cao su đang khai thác tốt khi mà hiện giá đang không tốt, ông Nguyễn Quốc Mạnh nhấn mạnh.

Về quy hoạch phát triển sản xuất, theo ông Trần Xuân Định, quy hoạch chỉ đưa ra định hướng trong một giai đoạn nào đấy. Khi thị trường có xu hướng thay đổi thì quy hoạch cũng thay đổi theo. Quy hoạch không phải là một hằng số. Chính vì vậy sau khi quy hoạch vẫn có rà soát, điều chỉnh quy hoạch sau một chu kỳ thực hiện.

Nếu thấy rằng quy hoạch đó bất hợp lý, quy hoạch đó không đáp ứng được yêu cầu thị trường, hoặc làm ra sản phẩm cung ứng ra thị trường nhiều quá, dư thừa và làm giảm giá thì phải điều chỉnh quy hoạch, dành đất cho cây trồng khác có thể có hiệu quả kinh tế hơn. Đối với cao su, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương trồng cao su, các đơn vị chuyên ngành rà soát, điều chỉnh phù hợp để phát triển cao su bền vững.

Không chỉ cao su, với nhiều loại cây trồng khác, ông Nguyễn Quang Dũng, Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho rằng luôn có mâu thuẫn trong việc quản lý quy hoạch. Nếu bắt buộc người dân sản xuất thì Nhà nước cũng không thể đứng ra tiêu thụ được và nông dân cũng sẽ ỷ lại Nhà nước.

Ngược lại, nếu để người dân tự do hoàn toàn, tự chủ trong sản xuất của họ cũng sẽ không tạo lập được vùng sản xuất hàng hóa lớn có giá trị. Hiện vai trò của địa phương trong việc thực hiện quy hoạch còn rất hạn chế.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, việc điều chỉnh quy hoạch sau một thời gian triển khai nếu thấy không phù hợp là đương nhiên. Người làm quy hoạch không thể dự đoán được 100% các vấn đề sẽ xảy ra, mà những dự đoán đó nằm trong khả năng cho phép. Đối với sản xuất hàng hóa cây trồng, vật nuôi, quan trọng nhất là tính toán được thị trường. Không chỉ cứ đất đai phù hợp là trồng. Muốn làm thế nào cũng phải tính toán được việc có thị trường hay không.

Mọi cây trồng, vật nuôi đều hướng theo sản xuất hàng hóa nên không thể thiếu thị trường, phải tính toán được thị trường, xem nhu cầu thị trường như thế nào. Từ nhu cầu thị trường sẽ quay trở lại tính toán sản xuất.

“Định hướng trong sản xuất phải có sự vào cuộc quyết liệt của địa phương. Có sự xem xét cân đối, chỉ đạo quyết liệt của địa phương”, ông Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh.

Diện tích trồng cao su cả nước năm 2014 gần 979.000 ha, vượt quy hoạch theo Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 2/6/2009 về quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 gần 179.000 ha.

Dự kiến năm 2015, diện tích cao su đưa vào thu hoạch mủ ước đạt 630.000 – 640.000 ha, chiếm 64 – 65% trên tổng diện tích. Sản lượng cao su đạt khoảng 1,1 triệu tấn. Nếu giá cao su vẫn ở mức thấp kéo dài, sản lượng có thể giảm thấp hơn so với năng lực do người trồng chậm mở diện tích thu hoạch mới, tăng diện tích tái canh nhanh hơn hoặc giảm số ngày cạo mủ./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục