Bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử

20:41' - 28/09/2016
BNEWS Bảo đảm an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay là một thách thức rất lớn và cấp bách

Bảo đảm an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay là một thách thức rất lớn và cấp bách, đặc biệt là sau sự cố mất an toàn, an ninh thông tin diễn ra phức tạp thời gian qua.

Đây là quan điểm chung của các đại biểu tại Hội thảo về bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam do Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức sáng 28/9.

Hội thảo nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước về tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác bảo mật và an toàn thông tin mạng trong quá trình xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến bảo mật và an toàn thông tin phục vụ cho triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam hiện nay như việc triển khai Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử và nhu cầu bảo mật, an toàn thông tin; triển khai mô hình Chính phủ điện tử và thành phố thông minh tại Đà Nẵng; bảo đảm an toàn cho các dịch vụ công và hệ thống thông tin ngành tài chính; bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông an toàn phục vụ triển khai Chính phủ điện tử.

Ngoài ra, Hội thảo cũng thảo luận về cơ chế phối hợp thực hiện giữa các cơ quan; vai trò của Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong bảo đảm an toàn thông tin để triển khai Chính phủ điện tử và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin.

Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng trong giai đoạn mới, công nghệ thông tin và viễn thông trên thế giới sẽ có bước phát triển đột phá với nhiều loại hình mới đa dạng.

Mạng internet sẽ được ứng dụng sâu rộng trong tất các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng; đồng thời là công cụ đắc lực, hữu hiệu trong việc trao đổi và lưu giữ thông tin của quốc gia.

Chiến tranh mạng sẽ mở rộng cả về quy mô và cường độ với nhiều loại hình tấn công mới, các quốc gia sẽ phải đối đầu với nguy cơ xảy ra các cuộc chiến tranh phi truyền thống kết hợp với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông phục vụ Chính phủ điện tử, hạ tầng mạng quốc gia sẽ được củng cố, mở rộng và triển khai đồng bộ với nhiều ứng dụng phục vụ công tác điều hành của hệ thống chính trị, sẽ xuất hiện những nguy cơ mới về mất an toàn thông tin.

Mục tiêu quan trọng của việc triển khai Chính phủ điện tử là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân, trong đó yêu cầu bảo mật và an toàn thông tin là yếu tố rất quan trọng. Điều đó đặt ra cho Ban Cơ yếu Chính phủ những nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Ban Cơ yếu Chính phủ đang tập trung củng cố, xây dựng hệ thống thông tin mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng phục vụ các cơ quan chính trị, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu và đẩy mạnh công tác quản lý mật mã dân sự.

Ban Cơ yếu Chính phủ chú trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu chế tạo các sản phẩm kỹ thuật mật mã, kết hợp triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số và giám sát an toàn thông tin, các giải pháp bảo đảm an ninh mạng.

Theo ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ, vấn đề quan trọng trong triển khai Chính phủ điện tử là bảo vệ thông tin cá nhân.

Văn phòng Chính phủ đang xây dựng lộ trình để áp dụng các hệ thống quản lý an toàn, thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế và tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; tiếp tục tăng cường sử dụng chữ ký số, các giải pháp mật mã chuyên dùng…

Tham dự hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc triển khai các ứng dụng Chính phủ điện tử càng bảo đảm thuận lợi được bao nhiêu, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin lại càng khó khăn bấy nhiêu.

Có ý kiến đề nghị tách loại chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ra khỏi nhóm chứng thư số chuyên dùng và đưa ra định nghĩa riêng cho loại chứng thư số này, đồng thời quy định rõ các cơ quan nhà nước phải ký số bằng chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho mọi loại giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước có dùng đến chữ ký số.

Các địa biểu đề nghị tăng cường quán triệt, phổ biến giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước để nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật nhà nước cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức tại các Bộ, ngành, địa phương, những người trực tiếp sử dụng kỹ thuật nghiệp vụ có liên quan tới an toàn thông tin nhằm phòng tránh việc lộ, lọt thông tin bí mật nhà nước cũng như thông tin của tổ chức, công dân khi tham gia các hoạt động của Chính phủ điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục