Tiến độ cải cách hành chính của ngành nông nghiệp còn chậm

17:40' - 20/07/2016
BNEWS Tiến độ và kết quả đạt được vẫn còn chậm và chưa được như kỳ vọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn có nguy cơ tiếp tục tụt vị trí trên bảng xếp hạng so với Bộ, ngành khác.
Hội nghị “Sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016”. Ảnh; Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám ngày 20/7, tại hội nghị “Sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2016” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở Hà Nội.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các đơn vị của ngành trong 6 tháng cuối năm phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm hơn nữa với nhiệm vụ cải cách hành chính, chú trọng nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn thuộc lĩnh vực Bộ phụ trách để phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật mới, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá, công tác cải cách hành chính của Bộ thời gian qua đã đạt được nhiều chuyển biến, qua đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nông dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, tiến độ và kết quả đạt được vẫn còn chậm và chưa được như kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Minh Nhạn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 3 năm (2014-2016) và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 thông qua việc tiến hành rà soát, loại bỏ các loại phí, lệ phí bất hợp lý, nhất là trong lĩnh vực thú y.

Các đơn vị trong Bộ cũng tích cực rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, qua đó cắt giảm thời gian và chi phí về thủ tục hành chính.

Đơn cử như lĩnh vực bảo vệ thực vật đã rút ngắn thời gian làm thủ tục kiểm dịch thực vật từ 24h xuống còn tối đa 4h đối với hàng hóa vận chuyển qua đường bộ và đường hàng không, 10h đối với hàng hóa qua cảng biển. So với thời gian kiểm dịch thực vật của các nước trong khu vực, Việt Nam có thời gian tương đương hoặc ngắn hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cơ bản hoàn thành kết nối và chính thức đưa vào sử dụng, hoạt động hiệu quả 9/9 thủ tục hành chính thí điểm của Bộ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Tính đến 30/6, Bộ đã tiếp nhận qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tổng số 17.056 hồ sơ; xử lý, giải quyết và cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử 12.495 hồ sơ, đang tiếp tục xử lý 4.561 hồ sơ. Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ và các đơn vị trong thời gian qua đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đơn giản hóa hồ sơ thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa…

Trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện 15 cuộc thanh tra; trong đó, 14 cuộc thanh kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn hiệu quả, tạo bước chuyển căn bản, tiến tới giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, phân bón khác giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc; chấm dứt các hành vi vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi.

Qua thanh tra đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm. Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 1,52 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra Bộ đã kiến nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y rút giấy phép, đình chỉ hoạt động nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu kháng sinh đối với 6 công ty./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục