Bên lề kỳ họp Quốc hội: Cần cụ thể hóa hơn nữa các giải pháp phát triển KTXH

21:55' - 21/03/2016
BNEWS Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, đoàn Thái Nguyên, nói: "Chính phủ đã đề xuất 9 giải pháp, tôi thấy những giải pháp đó cần được cụ thể hóa, cần được tổ chức thực hiện để làm sao cho hiệu quả.".
Đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế-Xã hội 5 năm 2016-2020… đã được các đại biểu chia sẻ với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 21/3. 
* Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Đoàn Thái Nguyên : “Trong phiên khai mạc sáng nay, Chính phủ đã có báo cáo bổ sung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015. Tôi cho rằng, với những nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt là của người lao động, của các doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến rất tích cực. Năm 2015, tăng trưởng GDP cả nước đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 . Tiếp đến tốc độ tăng trưởng càng có ý nghĩa khi tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức rất thấp (0,63%). Trước đây, có những lúc tốc độ tăng trưởng đạt 7%, nhưng lúc đó, lạm phát trên 18%. Do vậy, trong điều kiện mà lạm phát thấp, tăng trưởng tương đối cao thì thành tựu đó rất ý nghĩa. 
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội như: việc làm, thu nhập, giảm nghèo và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cũng được chú trọng, tạo ra được những chuyển biến, những kết quả rất tốt. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ ra những hạn chế; trong đó, có đánh giá mức độ tăng trưởng của Việt Nam tương đối cao nhưng chưa thực sự vững chắc. Sự phát triển chung về kinh tế-xã hội cũng chưa tương xứng với yêu cầu, tiềm lực, với điều kiện và tiềm năng của chúng ta…. 
Để khắc phục những hạn chế trong thời gian tới, Chính phủ đã đề xuất 9 giải pháp, tôi thấy những giải pháp đó cần được cụ thể hóa, cần được tổ chức thực hiện để làm sao cho hiệu quả. 
Tuy nhiên, theo tôi, cần tập trung vào 3 giải pháp: Thứ nhất là cần tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tiềm năng để phát triển còn rất lớn nhưng chúng ta không kết nối được thị trường, cả về thị trường hàng hóa, thị trường lao động; chuyển giao khoa học kỹ thuật giữa các vùng phát triển và các vùng còn khó khăn. Do đó, yếu tố chính là kết nối về hạ tầng; trong đó, có hạ tầng về giao thông, hạ tầng về thông tin liên lạc, hạ tầng về tài chính là chưa đạt yêu cầu. Vì thế, tôi cho rằng, vẫn phải tiếp tục có đầu tư để phát triển hạ tầng. 
Thứ hai là vấn đề nhân lực. Chúng ta vẫn tự hào, người Việt Nam cần cù, chịu khó. Tuy nhiên, vẫn cần có giải pháp để chúng ta thật sự đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Chúng tôi thấy chỉ tiêu qua đào tạo là tương đối cao nhưng số lao động được đào tạo có bằng cấp và chứng chỉ rất thấp, chỉ chiếm hơn 20%. 
Yếu tố thứ ba là cần tiếp tục hoàn thiện đổi mới cơ chế quản lý. Thời gian qua, yếu tố về cơ chế chưa thực sự tạo điều kiện, khuyến khích cho nên cũng là một nhóm giải pháp cần được chú trọng. 
* Đại biểu Lê Như Tiến, Đoàn Quảng Trị : “Tôi và nhiều đại biểu khác hài lòng với báo cáo của Chính phủ, báo cáo này phản ánh khá toàn diện và đầy đủ về tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2015 và đánh giá lại kế hoạch 5 năm vừa qua, mở cho tương lai những mục tiêu tổng quát cho kế hoạch 5 năm tới. 
Tôi thấy không phải năm nào các chỉ tiêu chúng ta đề ra đều đạt và vượt chỉ tiêu, điều này còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và tình hình của giai đoạn đó. Quan trọng là chúng ta thấy được nguyên nhân vì sao không hoàn thành để có những giải pháp cho những năm tới. 
Sắp tới chúng ta cần tập trung vào công tác chỉ đạo điều hành. Quan trọng là vai trò của Quốc hội và các đại biểu cần phải cao hơn nữa trong việc tăng cường giám sát các hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp”./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục