Sắp diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên

20:08' - 24/04/2024
BNEWS Tây Nguyên được đánh giá là vùng có rất nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, nhờ tính đặc thù trong bản sắc văn hoá, dân tộc, hệ sinh thái, tài nguyên...

Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Dự kiến ngày 26/4, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì tổ chức, Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp thực hiện Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, hội nghị sẽ tập trung trao đổi về hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu của vùng Tây Nguyên; liên kết vùng Tây Nguyên trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.

Cùng đó là kết quả một số hoạt động xúc tiến thương mại trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử; thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển xuất, nhập khẩu, xúc tiến thương mại trong năm 2024 và những năm tới cho vùng Tây Nguyên.

Các nội dung này sẽ được chia sẻ bởi đại diện các địa phương vùng Tây Nguyên, Bộ Công Thương, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp.

Tây Nguyên là vùng có 5 tỉnh, thứ tự từ bắc vào nam gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng thuộc khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam – Campuchia. Ngoài ra, Tây Nguyên có khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản.

 

Đặc biệt, Tây Nguyên được đánh giá là vùng có rất nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, nhờ tính đặc thù trong bản sắc văn hoá, dân tộc, hệ sinh thái, tài nguyên, con người, vị trí địa chính trị kinh tế. Những đặc trưng này khiến Tây Nguyên khác biệt so với các vùng đất khác trên cả nước, là điều kiện thuận lợi để khai thác các thế mạnh kinh tế cạnh tranh nhưng cũng đồng thời là thách thức trong quá trình kết nối, liên kết vùng Tây Nguyên với các vùng kinh tế khác trên cả nước.

Nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Công Thương nói riêng và nhiều Bộ, ngành khác đã tập trung ưu tiên nguồn lực để giúp Tây Nguyên khai thác các lợi thế đặc thù, nhưng cho đến nay phát triển kinh tế của Tây Nguyên vẫn bị tụt hậu so với nhiều vùng khác trên cả nước. Các địa phương trong vùng chưa có sự liên kết chặt chẽ, hợp lực để cùng phát triển kinh tế bền vững, lâu dài. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, chưa đạt được sự hài hòa về lợi ích. Các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng còn trong tình trạng phân tán, nhỏ lẻ.

Việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, yêu cầu, điều kiện trong quá trình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm còn hạn chế. Mặt khác, chuyển đổi số một số nội dung trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp của vùng chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Thực trạng này đòi hỏi cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức tiếp cận trong khai thác các lợi thế đặc thù của vùng Tây Nguyên, tìm biện pháp liên kết vùng thực sự hiệu quả để giúp vùng Tây Nguyên có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng, biến tiềm năng thành động năng, tiềm lực, nguồn lực lớn.

Ngày 15 tháng 11 năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP (Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị) về việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, vùng cần phấn đấu phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững thông qua việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực. Ngoài ra, vùng cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên trong dài hạn và với bối cảnh mới trong nước và quốc tế đang đặt ra các thách thức mới đối với sự phát triển của vùng, đòi hỏi phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế phát triển mới.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại nhận định: Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên là dịp để các đơn vị chức năng và doanh nghiệp bàn thảo cùng tìm ra những lợi thế, rào cản bất lợi và giải pháp khả thi giúp hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên khởi sắc. Hội nghị cũng được kỳ vọng sẽ góp phần đưa vùng Tây Nguyên ra khỏi vị trí "vùng trũng" trong phát triển ngoại thương, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới.

Bên lề hội nghị sẽ diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài vùng Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với một số Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổ chức kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp sản xuất, thương mại rau, củ, quả, cà phê, thực phẩm chế biến… trong và ngoài vùng Tây Nguyên với gần 30 nhà nhập khẩu từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hong Kong (Trung Quốc).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục