Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Khó thu hồi tài sản bất minh

13:10' - 21/11/2017
BNEWS Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, hiện còn nhiều bất cập trong việc phòng, chống tham nhũng...

Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, hiện còn nhiều bất cập trong việc phòng, chống tham nhũng như việc thu hồi tài sản bất minh, kê khai tài sản còn thiếu minh bạch... Bên hành lang Quốc hội, phóng viên đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu về vấn đề này.

* Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội): Khó thu hồi tài sản bất minh

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Việc phát hiện và thu hồi tài sản khổng lồ của đối tượng tham nhũng là rất khó. Trước hết ở khâu phát hiện khi trong quy định về quản lý tài sản cá nhân còn nhiều bất cập. Người ta có rất nhiều cách để sang tên tài sản cho họ hàng, người thân; trong khi đó, các giao dịch trên thị trường vẫn sử dụng tiền mặt là chính...

Điều này làm cho việc quản lý tài sản rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản hiện nay chỉ mang tính hình thức, bởi có những người có nhiều tài sản thì lại kê khai rất ít, hoặc có người ít tài sản nhưng lại kê khai đầy đủ. Đồng thời, việc kê khai tài sản lại không kèm theo tính công khai ở mức độ rộng rãi.

Do vậy, chính vì không biết người đó có khối tài sản là bao nhiêu và khi họ có hành vi tham nhũng thì có chăng việc xử lý chỉ giải quyết được phần nổi của tảng băng chìm. Cho nên, tình trạng kê khai có người rất giàu có nhưng vẫn phải mang những khoản nợ rất lớn và tôi cho rằng việc này là rất bất bình thường. Đây chính là những lý do mà trong cuộc phòng, chống tham nhũng đang gặp nhiều khó khăn.

Tôi cũng hy vọng, với việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng lần này bên cạnh việc định hình để sửa đổi các luật khác liên quan thì phải có những giải pháp đồng bộ. Khi đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mới đạt được kết quả cao.

Ngoài ra, trên cơ sở nghiên cứu về thống kê và khuyến nghị của tổ chức minh bạch quốc tế về những lĩnh vực có nhiều tham nhũng thì phải tập trung vào các lĩnh vực này.

Theo đó, phải xác định các vị trí có khả năng, có nguy cơ tham nhũng. Có những ngành, lĩnh vực chỉ ở cấp chuyên viên là có thể tham nhũng, nhưng có những lĩnh vực phải ở vị trí lãnh đạo thì mới có thể tham nhũng vì chức vụ đó mới nhằm đến việc quản lý tài sản hoặc có những quyền hành nhất định liên quan đến tài sản.

Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến việc kê khai tài sản tại cơ quan, nhưng việc phòng, chống tham nhũng phải cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị; trong đó, vai trò của người dân là rất quan trọng. Trên thực tế, nhiều vụ tham nhũng bị phát hiện là do người dân phát hiện.

* Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Đoàn Bắc Giang): Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Theo tôi, đây là dự án Luật được rất nhiều cử tri quan tâm và thực tế trong thời gian vừa qua đã có một số vụ án tham nhũng bị phát hiện nhưng khi xử lý lại gặp rất nhiều khó khăn vì liên quan đến vấn đề kê khai, minh bạch tài sản, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Đối với dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này, tôi quan tâm nhất đến trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị có người có hành vi tham nhũng. Đây là nội dung tập trung vào Điều 92 và 94 của dự thảo Luật.

Trước đây, Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2005) đã quy định nội dung này nhưng còn chung chung. Đối với Điều 92 và 94 tại dự thảo Luật lần này, tôi cho rằng phải quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra hành vi tham nhũng.

Theo tôi, đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị mà có người có hành vi tham nhũng thì người đứng đầu hoặc cấp phó phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định. Bên cạnh đó, những cơ quan liên đới cũng phải có biện pháp xử lý.

* Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang): Mua, bán tài sản phải thông qua hệ thống ngân hàng

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Thời gian qua, Luật Phòng, chống tham nhũng còn nhiều bất cập. Tôi cho rằng, nếu việc kê khai tài sản được làm chặt chẽ thì sẽ rất đơn giản trong việc phòng, chống tham nhũng. Tài sản ban đầu phải chứng minh được nguồn gốc thì mới kê khai được, chứ không thể nói rằng tài sản đó tôi được người nhà để lại.

Một vấn đề mà tôi thấy chưa thấy cơ quan soạn thảo hay đại biểu nào đề cập đến, đó là các tài sản có giá trị lớn bắt buộc khi mua, bán phải thông qua hệ thống ngân hàng và không được dùng tiền mặt.

Bởi, khi mua, bán thông qua hệ thống ngân hàng với giao dịch rõ ràng thì đã hạn chế tối đa được việc tham nhũng. Đồng thời, khi thực hiện kiểm tra xác minh tài sản cũng dễ dàng hơn.

* Đại biểu Sùng Thìn Cò (Đoàn Hà Giang): Chưa cương quyết thu hồi tài sản bất minh

Đại biểu Sùng Thìn Cò (Đoàn Hà Giang). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Việc kê khai tài sản là một vấn đề, nhưng kê khai xong thì cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm thẩm định lại. Đồng thời, kê khai đó phải được xác minh ở địa phương mà cán bộ đó cư trú hay cơ quan mà cán bộ đó làm việc xem kê khai đó đúng hay chưa đúng thì mới chính xác.

Đối với tài sản bất minh thì có nhiều vấn đề, mất nhiều thời gian vì cần quá trình điều tra, xác minh và kết luận về một con người không hề đơn giản bởi còn liên quan đến sinh mệnh chính trị, nghề nghiệp của người đó. Tôi cho rằng, việc thu hồi tài sản chủ yếu là do chưa cương quyết.

Luật Phòng, chống tham nhũng rất hiệu quả và vừa rồi ít nhiều cũng răn đe một số cán bộ có hành vi tham nhũng. Thu hồi tài sản trước mắt sẽ khó khăn nhưng về lâu dài có thể thu hồi được, còn thu hồi được bao nhiêu chưa rõ và đó là mong muốn của Đảng, Nhà nước, cử tri, nhân dân và cả cá nhân tôi.

Để việc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, tôi cho rằng không có gì khó khăn lắm, nhưng cơ bản là cơ quan chức năng đi thực hiện nhiệm vụ thẩm định, kiểm tra, xác minh các tài sản đã bị tham nhũng phải là những người thực sự liêm chính, chí công, vô tư mới làm được.

Lực lượng đi xác minh thì thực sự phải rất có bản lĩnh. Nếu phát hiện những trường hợp tiêu cực thì theo chủ trương của Đảng, Nhà nước phải thay thế ngay, cho nghỉ việc, không thể dùng được.

* Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Hà Nội): Nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Việc xử lý tài sản bất minh đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Thời gian qua, có nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử, mặc dù Tòa tuyên án rồi nhưng việc thu giữ tài sản bất minh chưa đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của nhân dân và cử tri cả nước, cũng như yêu cầu trong việc thi hành án hình sự.

Việc này có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân quan trọng là việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, phải nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức xã hội giám sát việc thực hiện các bản án đó. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người dân. Để khi các bản án đã được tuyên, các bị cáo đã có trách nhiệm hình sự với Nhà nước thì cũng phải có trách nhiệm trong việc bồi thường, bồi hoàn những tài sản bất minh.

Thực tế, có nhiều trường hợp "hy sinh đời bố, củng cố đời con", người ta sẵn sàng làm những điều vi phạm pháp luật, tham nhũng tài sản của Nhà nước, và sẵn sàng vào tù để con cháu người ta được hưởng khối tài sản bất minh đó.

Dưới góc độ đại biểu quốc hội, tôi cho rằng pháp luật phải được thực hiện công bằng, nghiêm minh. Đồng thời, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn để nhân dân cả nước có thể tin tưởng vào hệ thống pháp luật, tin cậy vào công lý mà toà án đã xét xử và tuyên án trong các vụ án tham nhũng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục