Bến xe kiểu mẫu đầu tiên ở Hải Phòng có nguy cơ phá sản

15:33' - 18/12/2015
BNEWS Thay vì sự ồn ào, tấp nập vào của hành khách, bến xe khách liên tỉnh Thượng Lý lại rơi vào cảnh điu hiu, vắng lặng. Và bến xe kiểu mẫu đầu tiên tại Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Bến xe khách liên tỉnh Thượng Lý lúc 15 giờ ngày 17/12, thay vì sự ồn ào, tấp nập vào ra của các đầu xe, hành khách và hàng hoá, là cảnh điu hiu, vắng lặng. Cảnh tượng này đã diễn ra suốt 7 tháng qua. Bến xe kiểu mẫu đầu tiên tại Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ bị phá sản bởi những quyết định thiếu nhất quán của cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng. 

Niềm tin vụn vỡ… 

Dự án bến xe Thượng Lý đã được UBND thành phố Hải Phòng chấp thuận bằng Quyết định số 332/QĐ-UBND ngày 24/1/2014 "Về việc phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 bến xe khách liên tỉnh do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng tại số 52 đường Hà Nội, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng" làm chủ đầu tư. Quyết định nêu rõ tính chất, chức năng "Là bến xe khách liên tỉnh (loại 2) thay thế bến xe Tam Bạc." 
Theo đó, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng dồn nhân lực, tài chính lên tới 50 tỷ đồng đầu tư xây dựng và hoàn thiện bến xe Thượng Lý trong thời gian gần 1 năm. Bến xe đã được gắn biển công trình khánh thành chào mừng 60 năm ngày giải phóng Hải Phòng ( 13/5/2015 ). 
Nhằm tạo điều kiện cho Bến xe Thượng Lý, ngày 21/5/2015 , Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng ra Thông báo số 347/TB-SGTVT; trong đó nêu rõ: “Đối với các tuyến vận tải từ bến xe Tam Bạc đi thành phố Hà Nội (gồm bến xe Gia Lâm, Lương Yên, Sơn Tây), tổng cộng 106 chuyến/ngày, được điều chuyển về bến xe Thượng Lý, giữ nguyên toàn bộ số nốt xe, biểu đồ hoạt động của các đơn vị như đang thực hiện tại bến xe Tam Bạc…” 
Thế nhưng, Thông báo số 347 phát đi đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của 7 doanh nghiệp vận tải khách tại bến xe Tam Bạc. Các doanh nghiệp cho rằng, thời gian thực hiện theo thông báo trên quá gấp, doanh nghiệp khó có thể xoay kịp. Trước phản ứng gay gắt này, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hải Phòng đã không thực hiện đúng cam kết như các Thông báo, Báo cáo trước đó. Ngày 5/6/2015, Sở này đã đột ngột ra Thông báo số 955, ghi rõ: "Ngày 4/6, tập thể lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng họp với các ngành, đơn vị liên quan và kết luận cho phép các doanh nghiệp hoạt động vận tải tại bến xe Tam Bạc tuyến Hà Nội - Hải Phòng được lựa chọn bến xe của Công ty TNHH một thành viên bến xe Hải Phòng và bến xe Thượng Lý của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng. Thời gian thực hiện tạm thời đến 31/12/2015, sau đó sẽ nghiên cứu sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện thực tế". 
Theo ông Lưu Thành Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng, Thông báo số 955 thể hiện phân biệt đối xử, gây bất công giữa nhà đầu tư mới và các đơn vị cũ trong ngành. Cụ thể, không bố trí, di chuyển Bến xe Tam Bạc ra Bến xe Thượng Lý mà lại thực hiện di chuyển toàn bộ phương tiện từ Bến xe Tam Bạc về Bến xe Niệm Nghĩa. 
Việc di chuyển toàn bộ tuyến vận tải từ Bến xe Tam Bạc về Bến xe Niệm Nghĩa (do Công ty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng quản lý) đã làm gia tăng mật độ lưu lượng xe, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng và không đáp ứng tình hình an ninh trật tự và an toàn giao thông đô thị, gây bức xúc trong nhân dân thành phố, các nhà đầu tư cũng như người lao động. 

… đến nguy cơ phá sản

 
Trước nguy cơ doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm từ hệ lụy của việc xử lý thiếu nhất quán của thành phố Hải Phòng, ngày 15/12/2015, tập thể cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng đã đồng loạt ký vào Đơn kêu cứu gửi lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Sở Giao thông Vận tải sớm đưa ra giải pháp thấu tình đạt lý cho Bến xe khách Thượng Lý. Trong đơn người lao động kiến nghị: Thành phố khẩn trương xem xét Thông báo số 955/SGTVT (đến 31/12/2015 hết thời hạn thực hiện tạm thời); đồng thời, xem xét sự khuất tất trong việc thực hiện trái chủ trương đầu tư ban đầu khi thành phố phê duyệt. 
Ông Lưu Thành Đông bức xúc: Một nghịch lý đang hiện hữu - một bến xe khách Niệm Nghĩa quá tải, bất ổn về an ninh trật tự và một bến xe Thượng Lý xây mới khang trang theo chủ trương của thành phố vắng hoe, chờ khách... Nếu tiếp tục xảy ra những "sự cố" tương tự từ sự thiếu cương quyết của thành phố Hải Phòng, liệu rằng có doanh nghiệp nào dám "liều mình" đầu tư những dự án mang tên "xã hội hóa"! 
Đại diện một số doanh nghiệp vận tải chia sẻ: Câu chuyện Bến xe khách liên tỉnh Thượng Lý giống như trước đây khi thành phố Hà Nội chuyển Bến xe Kim Mã ra Bến xe Mỹ Đình, và Bến xe Hà Đông ra Bến xe Yên Nghĩa cũng gặp phải nhiều ý kiến phản đối từ phía doanh nghiệp vận tải vì cho rằng bến xe mới ở xa trung tâm, người dân không tiện đi lại. Hay như mới đây, một số doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định lên thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) không đồng tình với chủ trương di chuyển các xe khách liên tỉnh từ bến xe cũ (Bến xe Phố Mới) sang bến xe mới (Bến xe trung tâm Lào Cai)…Song, thành phố Hà Nội và tỉnh Lào Cai đã không vì một sự “nể nang” nào, kiên quyết trong việc giải quyết phản ứng, vướng mắc của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp vận tải và hành khách phải chấp hành đúng chủ trương di dời bến cũ sang bến mới. 
Hiện tại, thành phố Hải Phòng chưa có động thái gì về việc điều chỉnh tuyến xe khách Hà Nội – Hải Phòng từ Bến xe Niệm Nghĩa sang Bến xe Thượng Lý. Trong khi đó, Thông báo số 955 nêu rõ, thời gian thực hiện tạm thời đến 31/12/2015, sau đó sẽ nghiên cứu sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện thực tế. 
Dồn nhà đầu tư vào chỗ phá sản, người lao động mất việc làm và giảm lòng tin vào các cấp chính quyền, kiểu quản lý ở Hải Phòng là khúc vĩ thanh buồn của một sự chỉ đạo kiểu “tiền hậu bất nhất”. Thiết nghĩ, thành phố Hải Phòng cũng kiên quyết, nhất quán ngay từ đầu như hai địa phương trên, chắc chắn từ việc phân luồng đến nạn "đầu gấu" trên tuyến xe khách Hải Phòng - Hà Nội, điều chỉnh bến bãi, sẽ được xử lý ổn thoả, giúp doanh nghiệp vững tin phát triển cùng thành phố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục