Bình Định ổn định cuộc sống cho đồng bào Bana

08:13' - 18/06/2018
BNEWS Để ổn định đời sống của đồng bào người Bana tại xã vùng cao Canh Liên, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định mở một tuyến đường lâm nghiệp kết hợp dân sinh vào khu vực làng đồng bào thiểu số Kà Nâu.

Để phát triển rừng sản xuất, ổn định đời sống của đồng bào người Bana tại xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định mở một tuyến đường lâm nghiệp kết hợp dân sinh vào khu vực làng đồng bào thiểu số Kà Nâu (xã Canh Liên) cũ.

Tuyến đường dài hơn 3 km (rộng 6 m) đi qua 1,85 ha rừng; trong đó có 1,48 ha rừng tự nhiên đã mang lại những lợi ích thiết thực ban đầu cho đời sống kinh tế - xã hội địa phương.

Từ trung tâm huyện Vân Canh, rất khó khăn để vượt đèo dốc cao, núi đá hiểm trở, những cánh rừng để vào được làng Kà Nâu (cũ).

Làng cách trung tâm xã Canh Liên 15 km; trong đó, có 12 km là đường mòn đi qua rừng tự nhiên.

Vì cuộc sống quá khó khăn, từ năm 2002, chính quyền huyện Vân Canh đã vận động đồng bào làng Kà Nâu di chuyển đến khu vực làng mới, nhiều thuận lợi hơn, có sự kết nối với những ngôi làng khác.

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Định đã đồng thuận cho Công ty trách nhiệm hữu hạn lâm nghiệp Hà Thanh (trực thuộc UBND tỉnh Bình Định) mở tuyến đường lâm nghiệp kết hợp dân sinh vào khu vực làng đồng bào thiểu số Kà Nâu (xã Canh Liên) cũ.

Ngày 21/11/2016, UBND tỉnh Bình Định có văn bản số 5297/UBND-TH chấp thuận chủ trương mở đường lâm nghiệp vào rừng trồng sản xuất của Công ty TNHH lâm nghiệp Hà Thanh.

Tại làng Kà Nâu cũ, có đến 380 ha đất thực bì có khả năng trồng rừng sản xuất tại các khoảnh 2, 6 thuộc tiểu khu 359A; khoảnh 1, 2, 3, 4, 5 thuộc tiểu khu 359B đã được đưa vào kế hoạch trồng rừng năm 2016.

Theo kiến nghị của UBND huyện Vân Canh, UBND tỉnh Bình Định đã thu hồi 213,9 ha đất tại các tiểu khu 359, 359A thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH lâm nghiệp Hà Thanh giao lại cho đồng bào sản xuất, ổn định kinh tế và đời sống.

Trong số đó có 46,4 ha là rẫy cũ của đồng bào và 167,5 ha để chia cho 67 hộ dân, mỗi hộ 2,5 ha. Từ đó, cuộc sống của đồng bào làng Kà Nâu dần dần ổn định bằng nghề trồng rừng, phát triển sản xuất.

Toàn bộ phần diện tích đất có thể trồng rừng quanh khu vực làng Kà Nâu cũ nằm lọt thỏm bên trong diện tích rừng tự nhiên.

Để phát triển đời sống của đồng bào và phát huy diện tích hơn 500 ha rừng sản xuất trong khu vực này, Công ty TNHH lâm nghiệp Hà Thanh đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Định cho mở tuyến đường lâm nghiệp vào khu vực rừng trồng.

Công ty TNHH lâm nghiệp Hà Thanh cùng Trung tâm quy hoạch nông nghiệp, nông thôn Bình Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cùng UBND huyện Vân Canh đã triển khai nhiều đợt khảo sát thực địa, kiểm tra hiện trường, đánh giá tác động của việc mở tuyến đường lâm nghiệp vào khu vực rừng trồng sản xuất.

Việc khảo sát, đánh giá, triển khai qua một thời gian dài và có hàng chục văn bản của các cấp, ngành liên quan.

Biên bản kiểm tra ngày 24/6/2016 của lực lượng liên ngành kết luận “Tuyến đường dự kiến mở đi qua rừng tự nhiên nối liền khu vực rừng trồng hiện có đến giáp ranh khu vực đất trống dự kiến trồng rừng năm 2016 nêu trên là tuyến ngắn nhất, ảnh hưởng đến rừng là ít nhất, đảm bảo các tiêu chuẩn đường ô tô lâm nghiệp theo TCVN 7025-2002".

Tuyến đường bắt đầu được khảo sát thực hiện từ năm 2016, đến đầu năm 2018 hoàn thành. Giám đốc Công ty TNHH lâm nghiệp Hà Thanh, ông Cái Minh Tùng cho biết, tuyến đường này đã phát huy tốt hiệu quả kinh tế rừng đối với vùng cao khó khăn này.

Trước đây, vì quá xa và khó khăn, diện tích rừng trồng ở khu vực này được đề nghị giao cho nhiều đơn vị nhưng không đơn vị nào nhận.

Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đã có chủ trương mở tuyến đường này mới có thể trồng rừng sản xuất, giúp người dân vận chuyển cây giống, gỗ rừng trồng nhằm phát triển kinh tế rừng và đời sống của đồng bào Bana ở đây.

Nhiều ý kiến lo ngại, tuyến đường đã “phá hủy” 1,48 ha rừng tự nhiên nhưng, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Canh Nguyễn Bá Đẩu cho hay, tuyến đường đã được lựa chọn theo hướng tuyến ảnh hưởng ít nhất đến rừng tự nhiên. Chỉ với 1,48 ha rừng tự nhiên, nhưng hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội, nâng cao đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rõ rệt.

"Trước đây, quanh làng Kà Nâu cũ là đất trống đồi trọc, dân không có đất sản xuất. Muốn có được đất sản xuất phải mở đường từ làng mới qua làng cũ, phải qua diện tích rừng tự nhiên rất lớn và phức tạp. Do đó, các cấp ngành trong tỉnh đã thống nhất thực hiện tuyến đường 3,135 km này ảnh hưởng ít nhất đến rừng mà đồng bào có được tuyến đường vào khu vực rừng sản xuất, các đơn vị cũng có tuyến đường để trồng, kiểm tra, bảo vệ rừng. Đời sống của bà con ở đây đang thay đổi", ông Đẩu cho hay.

Hiện tại, toàn bộ hơn 260 m3 gỗ lớn nhỏ khai thác tận thu được khi triển khai tuyến đường lâm nghiệp kết hợp dân sinh này đang được tập kết chờ UBND tỉnh Bình Định xem xét hoặc giao cho đồng bào các làng Kôm Xôm, Kà Nâu đang khó khăn về nhà ở dùng để dựng nhà hoặc tổ chức bán đấu giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục