Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung 7 luật

14:49' - 20/04/2018
BNEWS Ngày 20/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với các đề xuất xây dựng quy định trong các Luật và các điều kiện đầu tư kinh doanh, thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, ngày 24/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 7 dự án luật cần phải sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với Luật Quy hoạch và phải có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Quy hoạch vào ngày 1/1/2019. Bao gồm Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành và Sở Tài nguyên và Môi trường một số địa phương còn tham gia đóng góp ý kiến về nội dung đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều các nghị định liên quan đến vấn đề này.

* Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản, điểm

Trình bày về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật nêu trên, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường Đoàn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh: Các nhóm nội dung cần phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp, đồng bộ với Luật Quy hoạch bao gồm 5 nhóm vấn đề. Đó là thẩm quyền lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch; quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch, trình tự của hoạt động quy hoạch; xác định nội dung quy hoạch; công bố, cung cấp thông tin quy hoạch; trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch.

Như vậy, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (Luật sửa các Luật liên quan đến quy hoạch) gồm 9 điều, trong đó 7 điều sửa đổi, bổ sung; một điều xử lý nội dung chuyển tiếp và một điều về điều khoản thi hành luật.

Một số nội dung sửa đổi các điều, khoản, điểm tại các Luật có liên quan đến quy hoạch so với nội dung tại Phụ lục số 03 Luật Quy hoạch nêu gồm 69 điều trong 7 Luật có một số điểm khác. Chẳng hạn Phục lục 03 Luật Quy hoạch đề nghị sửa 12 điều của Luật Đất đai liên quan đến quy hoạch. Ban soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cho rằng một số điều không cần sửa cả điều, mà chỉ chỉnh sửa một vài khoản liên quan trực tiếp đến quy hoạch…Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật bổ sung thêm nội dung quy hoạch sử dụng đất sử dụng đất quốc gia cho thống nhất với Luật Đất đai. Đồng thời đề nghị không sửa Điều 42 quy định về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì các nội dung được quy định tại điều này đã phù hợp với Luật Quy hoạch…

Đại diện các bộ, ngành và các Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…đều cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật: Đất đai, Bảo vệ môi trường, Khoáng sản, Tài nguyên nước, Đa dạng sinh học, Khí tượng thủy văn, Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cơ bản đáp ứng được những nội dung nào có liên quan đến quy hoạch mà Luật chuyên ngành đang quy định cần phải sửa đổi, bổ sung để thống nhất và đồng bộ với Luật Quy hoạch, đều được Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung trong 5 nhóm vấn đề. Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật có những điểm khác so với yêu cầu sửa đổi theo Phụ lục 03 của Luật Quy hoạch là có cơ sở, bảo đảm phù hợp.

* Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ trong năm 2017, trên cơ sở kết quả rà soát và kiến nghị tại Văn bản số 5724 ngày 30/3/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ rà soát, đánh giá các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Qua đó đề xuất bãi bỏ và đơn giản hóa 99/163 điều kiện đầu tư kinh doanh, đạt 60%. Trong đó, bãi bỏ 69 điều kiện, đơn giản hóa 30 điều kiện và bãi bỏ 10 thủ tục hành chính tương ứng.

Lĩnh vực đất đai bãi bỏ, sửa đổi 17 điều kiện đầu tư kinh doanh, môi trường 42 điều kiện, khoáng sản 8 điều kiện, tài nguyên nước 27 điều kiện, khí tượng thủy văn 5 điều kiện. Đây là nhóm các điều kiện chưa thật sự rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và vận dụng trên thực tế khác nhau. Các điều kiện chưa thật sự phù hợp, hạn chế khả năng đóng góp của cá nhân có năng lực. Các điều kiện can thiệp sâu vào quy mô tổ chức, doanh nghiệp là con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vận hành của doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính con yêu cầu phải tham gia khóa học đào tạo để chứng nhận hoàn thành các khóa tập huấn. Các điều kiện không nằm trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị với Chính phủ cho phép xây dựng một nghị định để sửa đổi một số điều các nghị định có liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Theo đó, Bộ xây dựng Dự thảo Nghị định gồm 14 Điều. Từ Điều 1 đến Điều 12 tương ứng sửa đổi 12 Nghị định; một Điều về hiệu lực thi hành và một Điều về tổ chức thực hiện.

Qua đóng góp ý kiến, các đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục mở rộng sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời tổ chức thêm các cuộc hội thảo lấy ý kiến trực tiếp từ đại diện bộ, ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố; đại diện doanh nghiệp; các chuyên gia và các nhà khoa học đối với dự thảo Nghị định. Đặc biệt là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật nêu trên. Theo Chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, Dự án Luật này phải trình Chính phủ vào tháng 7 tới để kịp trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục