Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp xử lý vệ sinh môi trường sau bão lũ

16:14' - 18/10/2016
BNEWS Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết: Vào mùa mưa lũ, những trận mưa lớn, lũ lụt xảy ra thường xuyên tại các khu vực ven biển với tần suất, cường độ và lưu lượng lớn.
Xử lý vệ sinh môi trường sau bão lũ. Ảnh: TTXVN

Mưa lũ lớn sẽ gây ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Trước tình hình đó, Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo người dân phải thực hiện các biện pháp xử lý nguồn nước ăn uống, đảm bảo an toàn thực phẩm và xử lý đúng về việc chôn lấp xác gia súc, gia cầm.

Xử lý nước ăn uống

Đối với nước dùng để ăn uống, trong trường hợp giếng nước bị ngập mà không có nước mưa để sử dụng thì phải xử lý nước bị ngập để dùng. Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

Người dân có thể dùng phèn chua với số lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong

Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (chú ý vải lọc bằng cốt tông để lọc nước đi qua được; thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).

Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi. Đối với hộ gia đình, thường khử trùng nước bằng Cloramin B. Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau.

Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong.

Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng cần khử trùng bằng hoá chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi) và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Người dân cần lưu ý nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho sinh hoạt nhưng vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được.

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng…

Hiện nay có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm định, cấp phép của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước.

Xử lý rác

Đối với các lán trại cho nhân dân sơ tán tránh bão lụt nên đào các rãnh có chiều rộng 1m, chiều dài 1,5m, sâu 2m. Rác được đổ vào rãnh và hàng ngày rắc một lớp đất lên mặt rác. Một hố như vậy có thể dùng cho 200 người trong một tuần rồi lấp bằng một lớp đất dày 40 cm lèn chặt.

Nếu có điều kiện có thể cung cấp các thùng đựng rác dung tích từ 50 đến 100 lít cho 12 – 25 người dùng tại khu tập trung dân tránh lũ. Khi đầy phải mang rác đi chôn hoặc đốt. Nếu thời gian ngập lụt kéo dài, địa phương có thể tổ chức các ghe, thuyền đến từng nhà thu gom rác về nơi xử lý tập trung.

An toàn vệ sinh thực phẩm

Cục Quản lý môi trường y tế nêu rõ: Trong thời gian ngập lụt, các loại lương thực, thực phẩm rất dễ bị hư hỏng hoặc ô nhiễm bởi hóa chất độc, vi sinh vật gây bệnh. Vì vậy, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được đặc biệt chú trọng.

Các loại thực phẩm phải được nấu chín trước khi ăn, không sử dụng thực phẩm ôi thiu, nên ăn ngay sau khi nấu.

Trong thời gian lũ lụt, người dân không ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt. Trong trường hợp không có điều kiện đun nấu, tốt nhất là sử dụng các loại mỳ ăn liền đóng gói, thức ăn đóng hộp, nước uống đóng chai còn nguyên vẹn.

Nước dùng cho ăn uống phải được khử trùng và đun sôi. Các nguồn thực phẩm cứu trợ phải có nguồn gốc và còn hạn sử dụng.

Xử lý xác gia xúc, gia cầm

Trong khi ngập lụt, gia súc gia cầm phải được quản lý chặt chẽ, không thả rông tránh làm ô nhiễm môi trường; làm vệ sinh chuồng trại và tẩy uế hàng ngày bằng các loại hóa chất thông thường như vôi bột, Cloramin B.

Nếu thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện mắc bệnh phải cách ly hoặc đem tiêu hủy (chôn hoặc đốt) theo đúng qui định…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục