Bốn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng "tỷ USD"

10:34' - 07/10/2015
BNEWS Một số mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD/năm như cà phê, gạo. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng "tỷ USD" này.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, đặc biệt là từ khi gia nhập WTO.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Xuất khẩu chính ngạch vẫn là kênh cơ bản giúp tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Hai năm 2013 và 2014, xuất khẩu nông sản đều đạt xuất siêu.

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra và cao hơn nhiều so với năm 2013.

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 31 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013 (8,5 tỷ USD), tiếp tục là lĩnh vực tạo ra giá trị thặng dư cao với 9,5 tỷ USD.

Trong đó, có 10 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD: đứng đầu là gỗ và các sản phẩm gỗ với 6,54 tỷ USD, tăng 12,7%.

Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam

Biểu đồ 2: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

(*Nguồn:  Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan )

Giá trị tôm xuất khẩu đạt tới 4 tỷ USD và trở thành mặt hàng có giá trị chiếm 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của năm 2014 (xuất nhiều nhất sang Mỹ).

Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,62 tỷ USD, tăng 33,4% về khối lượng và tăng 33,2% về giá trị so năm trước; Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ lớn nhất, Bỉ là thị trường có tốc độ tăng mạnh nhất.

Tiếp đến là gạo, hạt điều, Cao su và cá tra (xuất khẩu mạnh sang Mỹ và EU).

Biểu đồ 3:Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam

(* Nguồn: FAO, http://unstat.un.org/unsd/default.htp)

Khối lượng xuất khẩu tiêu đạt khoảng 158.000 tấn với giá trị 1,2 tỷ USD, tăng 19,3% về khối lượng và tăng 35,9% về giá trị; Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của tiêu Việt Nam là Hoa Kỳ, Singapore, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Hà Lan.

Cuối cùng là sắn xuất khẩu đạt 3,3 triệu tấn với giá trị 1,12 tỷ USD, tăng 5,4% về khối lượng và 2,6% về giá trị.

Bước sang năm 2015, khi cánh cửa hội nhập rộng mở, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu Thế giới về các mặt hàng như: gạo, cà phê, cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, sắn, trái cây, đồ gỗ và các sản phẩm thủy sản…

Để duy trì tốc độ tăng trưởng hướng đến xuất khẩu 32 tỷ USD trong năm 2015 và có những bước đi chắc chắn trên thị trường quốc tế, các sản phẩm nông sản Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về quy cách, chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã phải đa dạng, giá thành hợp lý, đồng thời cũng phải đảm bảo khâu cung ứng kịp thời cho nhà nhập khẩu…

Nông nghiệp Việt Nam cần đổi mới và mở rộng đầu tư trong nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cho nông dân để họ có thể tự tổ chức sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao.

Trước bối cảnh hội nhập sâu rộng trong năm 2015, nông sản Việt sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt khi những quy định về cắt giảm thuế suất của 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ tham gia bao gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa Asean (ATIGA), FTA Asean – Hàn Quốc, FTA Asean – Ấn Độ, FTA Asean – Úc/New Zealand, FTA Asean – Nhật Bản và FTA Việt Nam – Nhật Bản, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... chính thức được áp dụng.

Quả cà phê thu hoạch chuẩn bị được đưa vào chế biến xuất khẩu. Nguồn: TTXVN

Khi tham gia vào FTA, Việt Nam sẽ trải qua hai lộ trình giảm thuế là 2015 và năm 2020. Bắt đầu từ năm 2015, gần nhất là ngày 29/5 Liên minh kinh tế Á - Âu đã chấp nhận thuế suất bằng 0% đối với toàn bộ mặt hàng thủy sản của Việt Nam; trong khối ASEAN, có tới 93% thuế được đưa về 0% khi các nước nhập khẩu vào Việt Nam và ngược lại; 7% thuế còn lại đến năm 2018 đưa về 0%, với các thị trường Mỹ và châu Âu, đến năm 2020 các mặt hàng nhập khẩu, xuất khẩu cũng đưa về mức thuế 0%.

Giai đoạn từ nay đến 2020, mục tiêu cần hướng tới là: cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản: Nông nghiệp 64,7%, lâm nghiệp 2%, thủy sản 33,3%; Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân từ 3,5 - 4%/năm; Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 4,3 - 4,7%/năm; Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD, trong đó nông nghiệp 22 tỷ USD, lâm nghiệp 7 tỷ USD, thủy sản 11 tỷ USD; Giá trị sản lượng trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp bình quân 70 triệu đồng;...

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản

- Xuất khẩu chính ngạch, mở rộng thị trường:

Thời gian qua, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao khoảng trên 30%/năm, nhưng lại bị phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống lớn như Trung Quốc (32%), Nhật Bản (5%), Hàn Quốc (4%), Đài Loan (2%), Thái Lan, Singapore, Malaysia...

Khi các Hiệp định đàm phám được ký kết hướng sang các thị trường mới, đã có hàng nghìn tấn thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài được xuất sang 4 thị trường khó tính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand; Nhãn lồng và vải quả sang Bắc Mỹ; Vải thiều sang Pháp; Xoài, thanh long, vải sang Australia. Hàn Quốc tiếp tục nhập khẩu vú sữa, chuối xiêm, ớt, mít, các mặt hàng khác như bí đỏ, su su, thanh long ruột đỏ, mật ong, riêng tôm đạt quota 10.000 tấn… cũng đang và sẽ có mặt nhiều hơn nữa trong hệ thống siêu thị Emart.

Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN.

Bưởi da xanh Việt Nam cũng được các doanh nghiệp tại Séc, Hà Lan, Australia, Canada đặt hàng với số lượng lớn.

Kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU chiếm giá trị không lớn, chỉ có Hà Lan với kim ngạch 30 triệu đô la Mỹ.

Thị trường khu vực Trung Đông với tổng kim ngạch đạt 20,7 triệu USD, Ả-rập Xê-út là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 9,0 triệu USD, đặc biệt là các loại hoa, cây cảnh và trái cây, tiếp đến là Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) với kim ngạch 7,5 triệu USD.

Hai thị trường này chiếm gần 80% xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các nước vùng Vịnh (GCC).

- Cung cấp thông tin: Ngoài việc chủ động tìm kiếm thị trường mới cho nông sản, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại ký kết hợp đồng thông qua các Hội chợ Thương mại Expo, cung cấp thông tin thị trường, thông tin trên trang Web, cộng với các phương tiện thông tin đại chúng về từng sản phẩm để các doanh nghiệp chủ động; tổ chức các hoạt động như khuyến nông, tổ chức hội nghị khách hàng mỗi năm nhằm đưa thông tin thị trường đến người sản xuất.

- Thay đổi các chính sách theo hướng thu hút thêm ngày càng nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Hỗ trợ thủ tục thông quan và thanh toán hợp đồng qua các Ngân hàng Thương mại.

Cần nhiều sự kết nối giữa người nông dân với các doanh nghiệp thu mua và tiêu thụ ra thị trường nên trước mắt cần làm tốt khâu chất lượng, các yêu cầu VietGap, Gloabal Gap phải nhân rộng thời gian tới, vì không chỉ Mỹ, Australia mà còn là yêu cầu với các thị trường xuất khẩu khác.

Thận trọng và có biện pháp chế tài xử lý những nông sản nhập khẩu (mập mờ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo về chất lượng đang gắn mác nông sản trong nước thậm chí được bán với giá cao) tạo sự cạnh tranh lành mạnh.

- Về lâu dài các Bộ, ngành liên quan cần quy hoạch các vùng trồng rau quả cho hợp lý hơn. Có sự điều phối theo nhu cầu xuất nhập khẩu của thị trường.

Đặc biệt, cần hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp chế biến hoa quả, ứng dụng công nghệ cao, các kỹ thuật tiên tiến từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản chất lượng nông sản bằng ozon, ion âm, sản phẩm nông sản sấy khô sử dụng công nghệ hiện đại như sấy FD, chân không..., đóng hộp; phát triển hạ tầng cửa khẩu rộng hơn, thậm chí còn có thể tính đến có kho bảo quản cho nông sản tại khu vực cửa khẩu…/.

Trương Kim Thoa - Viện Kinh tế Tài chính

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục