Bốn mùa du lịch Sa Pa

18:45' - 15/02/2018
BNEWS Nếu Bà Nà được ví như chốn bồng lai tiên cảnh của miền Trung thì Sa Pa đang thực sự trở thành thiên đường du lịch của miền Bắc.
Sa Pa mùa đông. Ảnh: TTXVN

Vốn đã quá quen về hình ảnh một thị trấn Sa Pa bình yên qua truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long, tôi đã không khỏi kinh ngạc về sự đổi khác của nơi này chỉ sau vài năm không trở lại.

Ở xứ sở mù sương ấy, đã và đang xuất hiện khá nhiều tòa nhà, biệt thự nghỉ dưỡng, khu resort cao cấp mà lâu nay chỉ thường thấy ở những bãi biển sang trọng hoặc những quần thể du lịch.

Nhiều điểm danh thắng của Sa Pa được đầu tư hoành tráng, tạo cảnh quan đẹp đẽ và thu hút rất đông lượng khách tham quan.

Trong xu hướng đó và sự thương mại hóa đang khiến Sa Pa ngày càng trở nên đông đúc, quần tụ dân cư các tỉnh về làm ăn sinh sống và khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Tôi đã chứng kiến, một Sa Pa không ngủ với nhịp sống và những con người hối hả...

Anh Nguyễn Dương Long, sống tại phố Xuân Viên (thị trấn Sa Pa) cho biết, nhiều năm trở lại đây, khách du lịch tham quan tới Sa Pa ngày càng đông hơn.

Điều đặc biệt là lượng khách du lịch trong nước tới thăm Sa Pa nhiều hơn khách nước ngoài. Nhờ đó, rất nhiều dịch vụ liên quan tới du lịch cũng ngày càng phát triển.

Dễ kiếm sống nên dân các tỉnh lân cận cũng kéo về Sa Pa làm ăn đông không kém. Thực sự, nơi này như đang quá tải, nhất là vào mùa lễ hội hay các dịp lễ, tết trong năm.

Lên Sa Pa giờ có thể thưởng thức đủ mọi sản vật và hương vị ẩm thực tại các nhà hàng, quán ăn; có thể giải trí ở rất nhiều quán bar, sàn nhảy hay phòng trà và tiệm cà phê; cũng có thể thư giãn tại các cơ sở spa với đủ mọi loại hình dịch vụ.

Trung tâm mua sắm, thương mại tại Sa Pa cũng bày bán đủ loại đặc sản và hàng hóa từ khắp mọi miền đất nước. Đèn điện thắp sáng trưng và điều hòa, quạt sưởi chạy suốt ngày...

Điều mà lâu nay vốn xa lạ với con người Sa Pa và cuộc sống nơi đây. Duy nhất chỉ thấy, ngày càng thiếu vắng bóng dáng những người dân tộc thiểu số. Cảnh dăm ba người đàn ông túm tụm chia nhau điếu thuốc.

Vài phụ nữ người H'mông thồ hàng ngơ ngác và dắt theo những đứa trẻ má rộp nẻ vì giá lạnh. Những cụ già da dẻ nhăm nhúm ngồi khâu váy, áo nơi góc chợ hoặc bán những đồng tiền bạc, đồ trang sức tự chế tác hoặc vải thổ cẩm.... Tất cả mang đậm dấu ấn và tạo nên nét riêng hiếm có của vùng đất này. Nay còn đâu!

Du lịch Sa Pa sôi động cả 4 mùa trong năm. Mùa xuân, khách du lịch tham quan hoa mơ, hoa mận. Mùa hè, đi tránh nắng và hưởng thụ không khí dịu mát.

Mùa thu là mùa của Lễ hội hoa tam giác mạch còn mùa Đông, người người lại kéo nhau lên Sa Pa để "săn tuyết, săn băng". Nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của du khách các dịch vụ lưu trú, ăn uống, đi lại vận chuyển, vui chơi giải trí cũng được dịp bung ra.

Trước kia, phố Cầu Mây, Phan Xi Păng được coi là con đường huyết mạch, là trái tim và là khu vực trung tâm của toàn thị trấn, nơi tập trung đông nhất khách tham quan du lịch và mua sắm với các cửa hàng, quán ăn, cửa tiệm bán đồ lưu niệm... thì nay các tuyến phố lân cận như Thạch Sơn, Xuân Viên cũng được hưởng lợi.

Hàng loạt tiệm cà phê lớn nhỏ với đủ thương hiệu trong và ngoài nước đã xuất hiện trên những tuyến phố này. Các nhà hàng, quán ăn từ sang trọng, tới bình dân đều tấp nập khách hàng ghé thăm ăn uống.

Chị Lưu Tuyết Mai, một du khách Việt Kiều bày tỏ cảm xúc, đi Sa Pa bây giờ vui hơn trước. Thích gì là có luôn. Dịch vụ cũng hoàn hảo và đáp ứng được đầy đủ những tiện ích theo nhu cầu của du khách.

Giờ không khó để tìm kiếm những khách sạn tiêu chuẩn quốc tế từ 4 đến 5 sao tại đây. Giá thuê phòng nghỉ cũng không quá đắt đỏ.

Đó là chưa kể, đi Sa Pa giờ có thể giúp du khách thỏa ước nguyện 1 lần được đặt chân lên đỉnh núi Phan Xi Păng hay còn gọi là Nóc nhà Đông Dương.

Cùng với đó, khách tham quan có thể khám phá nhiều danh thắng nổi tiếng khác như Thung lũng Mường Hoa, bản Cát Cát, bản Tả Phìn, Tả Van,… để tìm hiểu nét văn hóa độc đáo ở vùng cao...

Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại Sa Pa. Ảnh: TTXVN

"Tôi cho rằng, đây là sự bắt kịp xu hướng của du lịch Sa Pa. Nếu ai mong tìm sự bình yên, lãng mạn và hoang sơ của một Sa Pa trước kia thì nay đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại thấy thích thú với những đổi thay này. Chỉ có điều, trong giai đoạn chuyển đổi để thích ứng, Sa Pa đang gặp phải một số vấn đề khiến cả người dân và khách du lịch cảm giác không thuận tiện. Cụ thể như đường xá, cầu cống đang bị bật lên sang sửa. Việc thay thế hạ tầng cáp điện, cấp thoát nước hay viễn thông... liên tục đang ảnh hưởng không nhỏ tới mọi hoạt động đi lại, sinh sống và giao thương tại đây. Nhất là vào mùa đông khi thời tiết ẩm ướt.", chị Tuyết Mai chia sẻ.

Thừa nhận thực trạng xuống cấp về hạ tầng của nhiều tuyến đường trong thị trấn Sa Pa, ông Đinh Tuấn Hưng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sa Pa cho biết, mặc dù, trước đây toàn bộ các tuyến đường nội thị đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, nhưng do được đầu tư từ cách đây khá lâu, lại chưa được nâng cấp, sửa chữa, trong khi lượng phương tiện đổ về Sa Pa ngày càng tăng, khiến các tuyến đường nhất là khu vực trung tâm thị trấn Sa Pa đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Bí thư huyện Sa Pa Nguyễn Trọng Hài, lưu lượng xe đi qua thị trấn Sa Pa rất lớn, có những thời điểm tới 6 hoặc 7 nghìn xe/ngày khiến gây nên tình trạng ách tắc giao thông cục bộ.

Thậm chí, chỉ cần một xe container gặp sự cố trên đường cũng có thể gây nên ách tắc trong thời gian dài. Sa Pa đã có đề án xây dựng bãi đỗ xe riêng biệt và triển khai dự án sửa chữa mặt đường để cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều cần thời gian.

"Hy vọng rằng, sẽ không lâu nữa, diện mạo của Sa Pa sẽ có nhiều thay đổi. Hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện và hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đem lại sự thuận tiện cho người dân sinh sống, làm ăn, cũng như khách tham quan du lịch tới nơi đây.", Bí thư Nguyễn Trọng Hài nói.

Đánh giá về triển vọng của du lịch Sa Pa, một lãnh đạo cấp cao thuộc Tập đoàn Sun Group, cho biết, không chỉ có Cáp treo Phan Xi Păng mà tập đoàn còn đang tiến hành một số dự án bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng tại thị trấn Sa Pa.

Với những nỗ lực tạo diện mạo mới, thổi luồng sinh khí mới sôi động và nhộn nhịp cho nơi này, hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển biến về các hoạt động và dịch vụ du lịch Sa Pa.

Điều này góp phần đáng kể nhằm tạo cú hích cho phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là tạo thêm công ăn việc làm cho cư dân nơi này. Du lịch Sa Pa sẽ có nhiều thay đổi tích cực.

Nghe vậy, nhưng tôi vẫn thấy buồn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục