Cá nuôi lồng bè chết hàng loạt đầy bí ẩn ở Bình Thuận

17:26' - 25/11/2015
BNEWS Nhiều hộ nuôi cá lồng bè tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận gần đây phát hiện hiện tượng cá chết hàng loạt với nguyên nhân chưa được xác định.
Mô hình nuôi cá lồng bè ở Kiên Giang. Ảnh: TTXVN
Chiều 25/11, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành và huyện Tuy Phong phân công cán bộ thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi cá lồng bè tại xã Vĩnh Tân; kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường, triển khai lấy mẫu và tiến hành xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu hóa lý, dịch bệnh để xác định nguyên nhân. 

Trước đó, vào đầu tháng 10/2015, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè tại xã Vĩnh Tân phát hiện cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Khu vực nuôi cá lồng bè tại xã Vĩnh Tân có 181 lồng đang nuôi, chủ yếu nuôi cá bớp, cá mú và tôm hùm. Ngày 11/10/2015, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với UBND xã Vĩnh Tân tiến hành kiểm tra hiện trường cá chết. Kết quả kiểm tra có 87 lồng nuôi bị ảnh hưởng và số lượng cá chết khoảng 16.000 con/10 hộ nuôi, một số cá giống khoảng 10-20 ngày tuổi có hiện tượng nổ mắt. Chi cục Thủy sản đã tiến hành thu mẫu và trực tiếp mang đi xét nghiệm tại Cơ quan Thú y vùng VI-Tp. Hồ Chí Minh. 

Qua xét nghiệm kiểm tra, Cơ quan Thú y vùng VI có kết quả như sau: không phát hiện bệnh Betanodavirus gây bệnh hoại tử thần kinh (VNN) và Iridovirus (RSIV) gây bệnh ở cá trong mẫu xét nghiệm; đã phát hiện vi khuẩn Vibrio alginolyticus trong mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm mẫu nước tại vùng nuôi của Chi cục Thủy sản phân tích các chỉ tiêu: độ kiềm, độ mặn, chất rắn lơ lững, NH3, NO2, NO3… đều cho kết quả đạt, nằm trong ngưỡng cho phép. 

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết, trường hợp bị nhiễm vi khuẩn Vibrio alginolyticus chỉ gây cho cá bệnh lở loét, xuất huyết làm cho cá chết rải rác. Đây là bệnh thường gặp khi nuôi cá lồng bè trên biển trong điều kiện nuôi nhốt, nhưng không gây chết nhanh và chết hàng loạt. 

Trong thực tế, cá nuôi lồng bè bị chết nhanh và chết hàng loạt là do các nguyên nhân chủ yếu như: thủy triều đỏ, sứa độc, ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, theo khảo sát của Chi cục Thủy sản, tại các bè nuôi không có dấu hiệu của hiện tượng thủy triều đỏ hoặc sứa độc. 

Về nguyên nhân làm cá nuôi bị chết hàng loạt, nghi do Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xả nước thải ra khu vực nuôi lồng bè làm ô nhiễm nguồn nước, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết, những chỉ tiêu môi trường Chi cục Thủy sản đã phân tích là những chỉ tiêu thông thường trong nuôi trồng thủy sản, chưa đủ các yếu tố để đánh giá được mức độ ô nhiễm môi trường làm cho cá chết hàng loạt (Phòng xét nghiệm của Chi cục Thủy sản không phân tích được các chỉ tiêu gây ô nhiễm và độc tố như kim loại nặng, axít, các chất độc hại khác…). 

Để triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cá nuôi lồng bè chết hàng loạt tại xã Vĩnh Tân, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Tuy Phong hướng dẫn việc quản lý môi trường và thực hiện quy trình nuôi chặt chẽ; tăng cường công tác giám sát, quan trắc môi trường tại vùng nuôi để có khuyến cáo kịp thời cho người nuôi biết và ứng phó kịp thời đối với sự biến động của môi trường. 

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình vận hành, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các nhà máy tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt./. 

Nguyễn Thanh/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục