Các chuyên gia đề xuất không giao chấm thi cho địa phương

14:13' - 19/07/2018
BNEWS Vụ việc gian lận thi cử tại Hà Giang đã gây chấn động dư luận trong những ngày qua. Với những nhà giáo, chuyên gia giáo dục thì đó là nỗi đau và mất niềm tin vào sự trung thực ở địa phương.
Hà Giang họp báo về vụ kết quả điểm thi THPT bất thường. Ảnh:TTXVN

PGS TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội:  Nỗi đau của ngành giáo dục

Tôi tin những thí sinh của Hà Giang vừa qua sẽ không dám đăng ký dự tuyển vào đại học Bách khoa Hà Nội. Bởi từ nhiều năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội có hệ thống sàng lọc năng lực học sinh rất chặt chẽ.

Ở ĐH Bách khoa Hà Nội có hai môn Toán, Vật lý đại cương rất khó so với các môn khoa học cơ bản thuộc chương trình của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Chỉ cần sau năm thứ nhất, nếu sinh viên không vượt qua được sẽ bị đào thải. Cùng lắm kéo dài được đến học kỳ III năm thứ hai là sẽ phải thôi học theo quy định. Đối với sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội ai cũng hiểu rõ điểm số (dù thủ khoa hay trúng tuyển) chỉ là “vé vào”. Quá trình thực học mới quyết định đó có phải là sinh viên của trường hay không. Nên ĐH Bách khoa Hà Nội không hề lo về chất lượng sinh viên sau này.

Sự việc xảy ra ở Hà Giang không phải là khó tìm ra nguyên nhân. Chính Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan Công an sẽ tìm ra được. Mọi quy trình về làm thi, coi thi, thanh tra… rất chặt chẽ. Nhưng việc vận hành những quy trình ấy là con người. Nếu con người không trung thực thì chuyện gian lận mới xảy ra.
Sự việc ở Hàng Giang cho thấy, đây là nỗi đau của ngành giáo dục. Thực tế các trường đại học luôn chung tay với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc làm công tác thi trong những năm qua. Từ việc thanh tra, tổ chức thi, đưa cán bộ về địa phương… Đây cũng là nhằm đảm bảo một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tuyển được những thí sinh có chất lượng. Nhưng những diễn biến ở địa phương không trung thực thì cần phải xử lý tới cùng và thật nghiêm minh.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT: Nên chấm tập trung để đảm bảo chất lượng bài thi
Kỳ thi THPT quốc gia là một sự kiện mang tính quốc gia nhưng tại Hà Giang lại có hiện tượng nâng điểm với số lượng bài thi khá lớn. Dư luận tiếp tục có sự nghi ngờ ở địa phương khác, khu vực khác.
Hiện nay khó có thể kết luận chính xác về sự việc nhưng việc công khai số liệu điểm của thí sinh đã thấy sự bất thường. Bộ GD – ĐT đã có những chỉ đạo kịp thời để tìm ra nguyên nhân. Đến nay, Bộ GD – ĐT đã có đủ số liệu của tất cả các địa phương nếu phân tích chi tiết thì có thể phát hiện ra sự bất thường của khu vực khác.
Bệnh thành tích vẫn chưa xóa được nhưng điều đáng nói kết quả này còn sử dụng để tuyển sinh đại học. Địa phương chịu trách nhiệm trong chấm thi nhưng nếu tư duy nặng về thành tích và quyền lợi cục bộ dễ dẫn dến việc làm không đúng. Bức tranh điểm thi cả nước không còn chính xác nữa.
Qua sự việc thấy vấn đề tiêu cực ở khâu chấm thi, trong khi Bộ GD – ĐT dành nhiều công sức ở khâu tổ chức thi. Nguyên nhân chính là trước đây thi tự luận thì phân về địa phương là bắt buộc. Nay thi trắc nghiệm nhanh và không mất nhiều nhân lực thì nên chấm tập trung.

Như vậy mới có thể kiểm soát được chất lượng bài thi chứ không phải là chia cho 63 địa phương tự chấm như hiện nay. Trong thời gian tới, nếu như tiếp tục duy trì thi trắc nghiệm cần chấn chỉnh chấm thi để việc kiểm soát tốt hơn.
Mong muốn có đầu vào tốt là mong muốn của các trường đại học. Nhưng quan trọng nhất vẫn là quá trình đào tạo các em có niềm say mê với nỗ lực học tập như thế nào. Về mặt nguyên tắc không chỉ nên dựa vào kết quả THPT.

Mấy năm gần đây thực hiện chiến lược tự chủ đại học thì nhiều trường tự chủ tuyển sinh có thể thi riêng, sơ tuyển vào kết quả học tập phổ thông để xét thêm. Sự ràng buộc các trường vào kết quả THPT ngày càng ít. Nếu tiếp tục duy trì kỳ thi phải tổ chức lại để đúng mục đích của nó.
Thầy giáo Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Tôi phản đối thi trắc nghiệm
Một người làm sai mà tự sửa chữa là vô cùng khó mà phải là cả hệ thống. Bộ GD – ĐT phải đi đến cùng ở Hà Giang cũng như một số tỉnh, khác để nghiêm trị thực tế này.
Tôi cật lực phản đối thi trắc nghiệm, duy nhất môn văn không phát hiện ra sai. Bởi môn tự luận để gian dối là rất khó khăn. Chấm thi tự luận, chấm ẩu hoặc sửa chữa bài đều gói gọn trong bài thi, để kiểm tra lại. Còn chấm thi trắc nghiệm phát hiện ra sai phạm là khó. Phải sửa tất cả 330 bài thi trong vòng 2 tiếng thì không có chuyện chỉ giao cho 1 người trong phòng quét bài thi. Tôi khẳng định có sự bắt tay trong vụ việc này.
Quy trình thi trắc nghiệm đã được đặt ra một cách chặt chẽ, công bằng, nghiêm túc. Nhưng lại sai 330 bài thi thì quy trình có vấn đề hoặc là do con người. Mà con người để cho 1 người làm sai thì những người giám sát để đi đâu. Nên trao quyền chọn học sinh nào vào trường nào là do các trường đại học, cần gì thì họ sẽ tổ chức thi đó.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục