Các hồ thủy điện lớn ở Quảng Nam xả lũ để hạn chế thiệt hại cho hạ du khi lũ về

11:08' - 21/11/2017
BNEWS Nhằm tạo dung tích phòng lũ lớn nhất, hạn chế thiệt hại cho hạ du khi lũ lớn đổ về, từ ngày 20/11 đến nay, các hồ thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục xả lũ.
Thủy điện sông Tranh. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, từ ngày 20/11 đến 25/11, địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ có mưa to đến rất to, có khả năng xuất hiện đợt lũ lớn, khả năng đạt trên báo động III.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các Nhà máy Thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 xả lũ.
Đến 8 giờ ngày 21/11, tại hồ thủy điện A Vương, mực nước đang ở mức 376,9 m, mức xả qua chạy máy là 76 m3/giây và mức xả qua tràn là 31,6 m3/giây.

Tại hồ thủy điện Đăk Mi4, mực nước là 256m, mức xả qua chạy máy là 115,2 m3/giây và mức xả qua tràn là 13,9 m3/giây.

Tại hồ thủy điện Sông Bung 4, mực nước là 217,88 m, mức xả qua chạy máy là 160 m3/giây và xả qua tràn là 435,5 m3/giây.

Mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 là 172,34 m, chạy máy là 202 m3/giây và qua tràn là 91,37 m3/giây.
Do lượng mưa lớn trên diện rộng, các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống rất cao.

Nước lũ dâng cao, một số địa phương tại Quảng Nam như Đại Lộc, Nông Sơn, Hội An đã xuất hiện tình trạng ngập lụt, nhiều khu dân cư bị chia cắt cục bộ.
Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam Trương Xuân Tý cho biết: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, triều cường, thông tin vận hành điều tiết các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, trên lưu vực sông; thông báo cho các cấp chính quyền địa phương và người dân biết chủ động ứng phó.

Các địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các xã có đường cao tốc đi qua (đặc biệt sạt lở đất tại các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước); sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cấp thiết thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra; tổ chức cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm (sạt lở đất, ngầm, tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét) để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước tổ chức trực ban, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra (đặc biệt là các hồ chứa nước có tràn xả sâu Phú Ninh, Việt An, Vĩnh Trinh, Trung Lộc và các hồ đã tích đầy nước)…
Để đảm bảo an toàn cho người dân tại những vùng có nguy có sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, huyện Nam Trà My, Bắc Trà My đang tiến hành di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn./.

Xem thêm:

>>>Thông tin chính thức về vụ án liên quan đến tái định cư Thủy điện Sơn La

>>Điều chỉnh tổng mức đầu tư di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục