Cần minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập

20:29' - 06/09/2017
BNEWS Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ bảy, chiều 6/9, Ủy ban Tư pháp thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập

Tại phiên làm việc, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. Cụ thể, dự án Luật có nhiều sửa đổi, bổ sung về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập như mở rộng đối tượng kê khai tài sản; bỏ quy định kê khai hàng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung; quy định về một số cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập để quản lý bản kê khai, theo dõi biến động và xác minh tài sản, thu nhập được kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý…

Các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều định hướng sửa đổi, bổ sung được quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự án Luật còn chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị nên giữ nguyên hoặc thu hẹp diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương và thuộc lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực, tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Bùi Quốc Phòng cho rằng, quy định về đối tượng kê khai tài sản chưa phù hợp dẫn đến việc kê khai là hình thức. Lấy ví dụ về những đối tượng như Phó Chủ tịch Hội nông dân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Bí thư Đoàn thanh niên… cấp huyện (cán bộ có mức phụ cấp hệ số 0,2) phải kê khai tài sản, ông Bùi Quốc Phòng nhận định, những đoàn thể này chủ yếu tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không có nhiều tiền và không có điều kiện để tham nhũng.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Bùi Quốc Phòng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, thu nhập.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Hùng nhấn mạnh: “Nếu cứ kê khai mà không xác minh thì không giải quyết được vấn đề, vì thế sau khi kê khai phải xác minh và chốt lại số tài sản là bao nhiêu”. Ngoài ra, theo ông Hoàng Văn Hùng, quy định thủ trưởng cơ quan khi có dấu hiệu kê khai không trung thực hay có đơn thư mới xác minh là chưa chặt chẽ và cần xem xét lại.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh dự thảo Luật giao cho cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tiến hành xác minh tài sản, thu nhập nhưng lại quy định trách nhiệm của Ngân hàng, cơ quan quản lý nhà đất, đăng ký tài sản, thuế, hải quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chỉ cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mà không có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai.

Quy định này chưa tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, sử dụng người có có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thực hiện chức năng tiến hành xác minh tài sản, thu nhập.

Cân nhắc kỹ việc giao trách nhiệm cho các cơ quan kiểm tra, thanh tra

Dự thảo Luật đã đưa ra các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, bao gồm cả các cơ quan Đảng và cơ quan quản lý nhà nước. Góp ý về vấn đề này Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Bùi Quốc Phòng khẳng định, “đây là vấn đề hết sức hệ trọng nên cần xem xét kỹ, nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng”.

Việc bổ sung trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong Luật cần có báo cáo cụ thể hơn về các căn cứ, lập luận liên quan đến sự cần thiết và yêu cầu chính trị của việc thể chế hóa này đồng thời cần rà soát kỹ văn bản của Đảng, đảm bảo thể chế hóa này phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy cho rằng, chủ trương nhất quán của Đảng là Đảng lãnh đạo toàn diện đối với mọi hoạt động của Nhà nước chứ không làm thay.

Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét thực tế hiện nay về vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức khác như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương…

Tại phiên thảo luận, các nội dung về mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; việc xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… cũng được các đại biểu phân tích cụ thể.

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là dự án luật lớn nhưng sự tập trung và quy chế làm việc của ban soạn thảo chưa đạt yêu cầu. Nội dung chuẩn bị này chưa đạt yêu cầu để trình Quốc hội và đề nghị Chính phủ có bản giải trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp Thường vụ vào tháng 10/2017./.

>> Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm tại Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2010 - 2015

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục