Cần thiết xử lý hình sự hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

18:13' - 31/03/2016
BNEWS Trung bình mỗi năm Tp. Hồ Chí Minh xảy ra gần 20 vụ với trên 1.600 người mắc, trong đó tỷ lệ người bị ngộ độc thực phẩm tập thể cấp tính là trên 16 người/100.000 dân/năm.
Tp. Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất cấm trong chăn nuôi, thực phẩm. Ảnh: TTXVN

Với đặc thù khoảng 80% nông sản, thực phẩm phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu nước ngoài, thời gian tới, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường năng lực kiểm nghiệm, test nhanh về an toàn thực phẩm, đầu tư kỹ thuật cao trong hoạt động kiểm nghiệm để phát hiện nhanh chóng, chính xác các chất cấm trong thực phẩm và cung cấp kết quả kịp thời, chính xác phục vụ cho công tác xử lý nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập vào thành phố qua các cửa ngõ, tại các chợ đầu mối.

Từ năm 2006 – 2010, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã xảy ra 98 vụ ngộ độc thực phẩm với 8.127 người mắc và 5 người tử vong. Như vậy, trung bình mỗi năm thành phố xảy ra gần 20 vụ với trên 1.600 người mắc, trong đó tỷ lệ người bị ngộ độc thực phẩm tập thể cấp tính là trên 16 người/100.000 dân/năm.

Hiện nay, vấn đề an toàn khi sử dụng các sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước giải khát... đang trong tình trạng báo động do hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường.

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Người tiêu dùng và nỗi lo an toàn về sức khỏe khi mua sắm, tiêu dùng”  diễn ra ngày 31/3 tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tp. Hồ Chí Minh cho biết người tiêu dùng chưa nắm rõ về các quyền của mình cũng như cách thức để có thể chọn lựa những sản phẩm an toàn cho sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, sở dĩ các thực phẩm bẩn có “đất sống” do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ở khâu truyền thông. Ông Nguyễn Thành Danh nhận định, nếu chỉ trông chờ vào sự thông thái của người tiêu dùng là chưa đủ mà cần tuyên truyền mạnh mẽ và thiết thực hơn với những hình thức đa dạng, hấp dẫn, giảm nhẹ lý thuyết, có như thế các thông tin về an toàn thực phẩm mới đến được với người dân, nhất là các công nhân lao động có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, những bất cập trong việc vừa thiếu, vừa thừa, vừa chậm văn bản hướng dẫn thực hiện các luật, nghị định liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; việc phân công chồng chéo, trình độ hạn chế, kiêm nhiệm ở các cơ quan thực thi, cộng với vấn đề thiếu kiến thức pháp luật, thiếu thông tin về sản phẩm, ngại tố cáo, khiếu nại của người tiêu dùng… cũng đang khiến vấn nạn thực phẩm bẩn ngày càng có điều kiện phát triển.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa tại thành phố tăng nhanh dẫn đến nguy cơ nhiễm chéo từ độc chất môi trường và thực phẩm gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn thực phẩm.

Do đó, các đại biểu cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng và thường xuyên sửa đổi, bổ sung, thay thế để hoàn thiện hệ thống pháp luật về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các cơ quan thực thi phải được đào tạo chuyên sâu, trang bị các công cụ phục vụ công tác kiểm tra, xử lý…

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan đến các quyền cơ bản của người tiêu dùng Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến quyền an toàn, đặc biệt là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng khi mua hàng.

Các đại biểu hy vọng, khi Bộ luật Hình sự được bổ sung, sửa đổi có hiệu lực thì mọi hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong chế biến thực phẩm sẽ bị điều tra, truy tố, xử lý hình sự để tạo sự răn đe cho những ai muốn thu lợi bất chính trên sức khỏe của người dân. Đồng thời thông báo đầy đủ, kịp thời về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, loại thực phẩm bẩn để người dân biết và từ chối sử dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục