Cần triệt để cắt giảm ngân sách trong chi thường xuyên

17:15' - 29/10/2015
BNEWS Việt Nam cần tái cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách xuống. Theo đó, cần ban hành các chính sách cụ thể, và tăng ở lĩnh vực nào.

Hàng loạt những vấn đề xung quanh việc sử dụng ngân sách Nhà nước hiệu quả và tránh lãng phí đã được đại biểu Bùi Đức Thụ (Đoàn Lai Châu), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 29/10.

Đại biểu Bùi Đức Thụ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phóng viên: Thưa ông, tỷ lệ chi ngân sách thường xuyên trong những năm gần đây quá nhiều. Liệu chúng ta còn ngân sách để chi cho đầu tư và đây có phải là tỷ lệ chi bất hợp lý quá hay không?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Ở Việt Nam, nhu cầu đầu tư phát triển, ổn định an sinh xã hội và giáo dục lớn. Cho nên, tỷ lệ chi thường xuyên cũng rất lớn, trong bối cảnh như vậy, áp lực chi ngân sách Nhà nước của những năm gần đây tăng rất cao.

Theo tôi, áp lực cho chi đầu tư chúng ta cũng cần quan tâm. Nếu như không tăng tỷ trọng chi đầu tư thì sẽ hạn chế tăng trưởng và phát triển. Do vậy, cần tái cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách xuống. Theo đó, giảm chi thường xuyên xuống, trước hết cần ban hành các chính sách cụ thể, nếu tăng chi thường xuyên thì tăng cho lĩnh vực nào?

Hiện tại, đã có nhiều chính sách ban hành nhưng nguồn chi đến nay chưa đủ. Ví dụ chính sách người có công, hay theo lộ trình của tăng lương là 3-4 năm nhưng vẫn chưa tăng cho cán bộ công chức; năm trước mới giải quyết cho những người tăng lương thấp.

Bây giờ, nếu theo lộ trình tăng lương sẽ tăng lên khoảng 8% thì ngoài phần ngân sách đã bố trí thì cần phải bổ sung thêm khoảng trên dưới 17.000 tỷ đồng; việc này sẽ làm cho tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao.

Đối với việc giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong năm 2015 là 2%, liệu đã thỏa mãn chưa? Rõ ràng, tôi cho rằng, bối cảnh hiện nay là tích cực. Nếu như chúng ta xử lý không tốt trong việc chi thường xuyên sẽ còn tăng trở lại và tăng cao hơn.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, Việt Nam tăng tỷ lệ chi thường xuyên, việc này có bất cập là do nhiều cơ quan đã tổ chức “lễ lạt’ quá nhiều. Bên cạnh đó, đầu tư cho xe công cũng đã chiếm tới 13.000 tỷ đồng trong việc chi thường xuyên. Thưa ông, tại sao khi Quốc hội bàn chúng ta không nghĩ tới việc cắt giảm nguồn chi này?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Thứ nhất, trong Nghị quyết của Quốc hội từ năm 2014 mà điều hành ngân sách 2015 là đã ghi trong Nghị quyết là đã cắt giảm những mục chưa cần thiết, chưa thực sự cấp bách như: giảm các lễ hội, khánh tiết… Tôi cho rằng năm 2016, cần tiếp tục thực hiện việc này một cách quyết liệt và triệt để hơn.

Đối với việc sử dụng xe công, theo quy định của Bộ Tài chính đã có quyết định cho đối tượng sử dụng xe công. Đối với việc lạm dụng trong việc sử dụng xe công của một số đối tượng. Tôi đề nghị, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Thứ hai, Bộ Tài chính cần căn cứ vào sử dụng xe công để mà thực hiện phương thức đổi mới hay khoán đối với xe công thì cũng sẽ giảm được chi thường xuyên.

Phóng viên: Thưa ông, đã có chế tài xử phạt đối với người sử dụng xe công không đúng quy định, vậy đã có trường hợp nào bị xử phạt chưa?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Việc sử dụng sai quy định, bây giờ đã có chế tài nhưng tùy theo từng mức độ, có mức độ là chỉ xử lý hành chính. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn có tình trạng sử dụng xe công cho người có phụ cấp dưới 1,25%. Việc này sẽ tùy theo số lần và mức độ vi phạm, có những cơ quan nhắc nhở, có những cơ quan xử lý hành chính. Nhưng ở mức độ lớn như truy cứu trách nhiệm hình sự thì chưa có.

Phóng viên: Tỷ lệ chi thường xuyên quá cao so với tỷ lệ đầu tư trong thời gian qua, Chính phủ có ý định phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra nước ngoài. Thưa ông, vấn đề này chúng ta có nên hay không nên trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Theo tôi, ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, với mức thu năm 2016 mà Chính phủ trình cộng với mức bội chi cho phép là 254.000 tỷ, tương ứng 49,5% GDP dự kiến (GDP kế hoạch) thì tổng chi ngân sách Nhà nước chỉ được xác định trong trần đó.

Vậy, trong phần chi như vậy thì đã bố trí cho chi đầu tư phát triển năm nay là 255.750 tỷ đồng, tăng lớn so với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 có 195.000 tỷ đồng và có thêm 85.000 tỷ trái phiếu Chính phủ và năm 2016, ngoài 255.750 tỷ chi đầu tư thì có thêm 60.000 tỷ vốn trái phiếu Chính phủ.

Theo tôi, xét cả 2 nguồn này, nếu cộng thêm xổ số kiến thiết nữa thì chi tỷ trọng cũng như tốc độ tăng chi đầu tư phát triển của năm 2016 là khá hơn. Tôi cho rằng, với mức chi trong vốn ngân sách Nhà nước là hợp lý, khả năng cân đối như vậy là tối đa.

Mục đích Chính phủ trình trong tài khóa 2015-2016 là phát hành 3 tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế để đảo nợ đối với các khoản vay ngắn hạn trong nước. Theo tôi, việc huy động vốn trong nước để mà vay dài hạn để đảo các khoản vay ngắn hạn, gắn cái nghĩa vụ trả nợ hàng năm của ngân sách Nhà nước là cần thiết. Nhưng vay trong nước hiện tại là rất khó khăn.

Còn nếu quyết tâm, nâng vốn vay trong nước (trái phiếu Chính phủ) lên cao nữa, tôi cho rằng, dung lượng, quy mô để mà tín dụng đầu tư vào nền kinh tế sẽ giảm xuống, ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Tôi cho rằng, vay nước ngoài có lợi thế hơn, là sẽ dài hạn hơn (dự kiến sẽ phát hành từ 10-30 năm); tiếp đến lãi suất sẽ rẻ hơn vay trong nước; vay nước ngoài sẽ huy động tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vay nước ngoài sẽ có nhiều rủi ro hơn; đặc biệt là biến động đến tỷ giá (vì vay trung, dài hạn 10-30), thì việc biến động tỷ giá sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ lên.

Tất cả những điều này, chúng ta cần tính toán, cần cân nhắc. Với ý kiến cá nhân của tôi, với cái nhìn tổng thể như vậy, trong bối cảnh tình hình như hiện nay, Chính phủ huy động vay 3 tỷ USD vốn nước ngoài trong năm 2015-2016 là cần thiết.

Tôi nhấn mạnh, nếu khoản vay này được chấp thuận, thì khoản vay này chỉ được sử dụng vào mục đích đảo nợ, chứ không được phép sử dụng vào những mục đích khác. Mặc dù, các mục đích khác cũng cần thiết và cấp bách.

Theo tôi, nếu Quốc hội thừa nhận và ghi điều này vào nghị quyết thì điều này cũng sẽ tạo thành khung khổ pháp lý. Theo đó, Chính phủ và các Bộ, ngành phải thực hiện theo.

Với nguồn vốn này, ngoài giám sát của các cơ quan Quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội và các đại biểu quốc hội và các cơ quan tổ chức khác, có nhiệm vụ thẩm quyền, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là giám sát của kiểm toán Nhà nước.

Cơ quan này sẽ kiểm soát được những đối tượng sử dụng sai nguồn tài chính này. Và tôi cho rằng, việc vay 3 tỷ USD này là để đảo nợ các khoản vay ngắn hạn trong nước chứ không tăng dư nợ công.

Phóng viên: Theo Luật Ngân sách, hàng năm chúng ta đã có những mức chi cụ thể, tỷ lệ phần trăm với quy định mức vay. Như ông nói, Luật không cho phép nhưng bối cảnh như hiện nay vẫn phải chi để đảo nợ nước ngoài. Như vậy, kỷ luật ngân sách hiện nay, cũng chưa được rõ ràng, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Một vấn đề đặt lên là kỷ luật chi ngân sách như thế nào? Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã quy định, mọi khoản chi là phải có trong dự toán, theo dự toán điều chuyển.

Theo tinh thần đó là Luật Ngân sách Nhà nước có sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 sẽ phải thực hiện việc này. Tuy nhiên, hiện nay, Luật ngân sách hiện hành năm 2012 có hiệu lực từ năm 2014 cũng đã tăng cường kỷ luật hành chính đối với chi ngân sách.

Vấn đề này được đặt ra là do phân cấp quản lý kinh tế xã hội; đặc biệt, ví dụ như: việc vượt thu ngân sách của địa phương, thẩm quyền của việc sử dụng tăng thu này theo Luật ngân sách hiện hành là giao cho thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và khi có nguồn họ cần bổ sung chi những vấn đề cấp bách thì đấy là thẩm quyền.

Cho nên, việc tăng chi này cũng sẽ dẫn đến cao hơn so với dự toán chi ban đầu. Việc tăng này cũng không tăng bội chi vì có nguồn tăng thu, cũng không phát sinh thêm nợ.

Để khắc phục tình trạng này, ngay từ đầu nhiệm kỳ theo Nghị quyết Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ trong đầu tư công và khi ban hành Luật nợ công thì chỉ thị 1792 đã được luật hóa trong Luật nợ công.

Trong đó yêu cầu là mọi dự án, công trình trước khi khởi công đã phải đảm bảo đủ nguồn vốn không để cân đối về nguồn, không để xử lý nợ đọng.

Qua mấy năm thực hiện, tình trạng đầu tư dàn trải đối với xây dựng cơ bản cũng đã được ngăn chặn rất nhiều. Trong thời gian tới, tôi đề nghị, vẫn phải tăng cường quản lý vấn đề này, thực hiện nghiêm các quy định của Luật đầu tư công cũng như chỉ thị 1792 để thực hiện lành mạnh hóa trong vấn đề xây dựng cơ bản.

Phóng viên: Xin cám ơn ông !

Thành Trung - Thúy Hiền (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục