Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh: AU kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng

08:18' - 12/06/2017
BNEWS Chủ tịch đương nhiệm Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Guinea Xích đạo Alpha Condé ngày 11/6 đã kêu gọi đối thoại nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng giữa các nước vùng Vịnh.
Tổng thống Guinea Xích đạo Alpha Condé. Ảnh: EPA

Trong bức thư gửi Quốc vương Saudi Arabia, ông Condé viết: "Tôi muốn tái khẳng định rằng, với tư cách Chủ tịch đương nhiệm AU và Tổng thống của một nước Hồi giáo anh em, tôi muốn tìm ra một giải pháp hòa bình và nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng không đúng lúc này".

Mặt khác, ông Condé cũng hoan nghênh những nỗ lực to lớn và bền bỉ của Saudi Arabia nhằm loại bỏ chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức.

Căng thẳng ngoại giao giữa các nước khu vực vùng Vịnh nổ ra từ ngày 5/6, khi Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với lý do Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và can thiệp vào những vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực.

Sau đó một số quốc gia châu Phi gồm Niger, Senegal và CH Chad đã triệu hồi đại sứ của các nước này tại Doha và Mauritania đã cắt đứt quan hệ với Qatar.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Maroc ngày 11/6 ra thông cáo báo chí tuyên bố nước này hết sức quan ngại trước cuộc khủng hoảng hiện nay tại vùng Vịnh và sẵn sàng làm trung gian giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Trong những ngày qua, Maroc theo sát những diễn biến với sự quan ngại lớn trong quan hệ giữa một bên là Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Ai Cập cùng với một số nước Arập khác và một bên là Qatar.

Theo thông cáo trên, kể từ khi nổ ra khủng hoảng, Quốc vương Maroc Mohammed VI đã tiếp xúc chặt chẽ và thường xuyên với các bên liên quan.

Vì những mối quan hệ bền chặt cá nhân giữa Quốc vương và các nhà lãnh đạo vùng Vịnh và tính đến cả mối quan hệ đối tác chiến lược với những nước này, Quốc vương Mohammed VI kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và thận trọng và Maroc ưu tiên sự trung lập mang tính xây dựng.

Nếu các bên mong muốn, Maroc sẵn sàng đóng vai tròn trung gian hòa giải nhằm tạo thuận lợi cho việc đối thoại thẳng thắn và toàn diện trên cơ sở không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục