Chính phủ Pháp khẳng định không tư nhân hóa ngành đường sắt

17:51' - 03/04/2018
BNEWS Ngày 3/4, Bộ trưởng Giao thông Pháp Elisabeth Borne đã bác bỏ thông tin cho rằng chính phủ muốn tư nhân hóa cơ quan vận hành đường sắt quốc gia SNCF và phá vỡ dịch vụ công.
Hành khách chờ đợi tại nhà ga Montparnasse ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Borne kêu gọi công đoàn ngành đường sắt tiếp tục đàm phán về vấn đề cải cách, đồng thời cho biết bà sẵn sàng thảo luận với đại diện công đoàn vào ngày 5/3 tới về việc mở cửa để cạnh tranh và xử lý các khoản nợ.

Bà Borne cho rằng có một số nhân tố đang muốn "chính trị hóa" cuộc thảo luận giữa chính phủ và nhân viên ngành đường sắt. Bà tuyên bố chính phủ sẽ giữ vững lập trường trong các cuộc đối thoại.

Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire khẳng định chính phủ chưa bao giờ có ý định tư nhân hoá SNCF.

Theo ông, kế hoạch cải cách SNCF nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt công cộng.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc hội Eric Woerth nói rằng cuộc đình công tại SNCF là "phản ứng mạnh mẽ nhất của các tổ chức công đoàn" trước những "cải cách tối thiểu" của chính phủ.

Theo ông, người phải trả giá chính là những người dân hàng ngày đang sử dụng dịch vụ của ngành đường sắt.

Ông tuyên bố việc tổ chức đình công 2 ngày mỗi tuần và kéo dài 3 tháng cho thấy các tổ chức công đoàn không hề có ý định bảo vệ người tiêu dùng như họ khẳng định.

Chủ tịch mới của đảng Xã hội (PS) Olivier Faure kêu gọi chính phủ công bố những kế hoạch và mục tiêu thực sự đối với SNCF.

Ông cũng hy vọng được thông tin cụ thể về các khoản nợ, các khoản đầu tư cho hệ thống đường sắt, cũng như xóa bỏ những tin đồn về việc tư nhân hóa SNCF.

Ngày "Thứ ba đen" 3/4 đã mở đầu cho chuỗi 36 ngày đình công trải dài trong 3 tháng của nhân viên ngành đường sắt SNCF.

Tại vùng thủ đô Ile-de-France, buổi sáng đã ghi nhận ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên các tuyến giao thông huyết mạch.

Tại các ga tàu hỏa, tuy rất nhiều người phải chờ đợi nhưng tình hình không quá hỗn loạn, do người dân đã được thông tin đầy đủ và chủ động tìm các phương tiện di chuyển khác.

Nhân viên ngành đường sắt tổ chức đình công nhằm phản đối kế hoạch cải cách SNCF của chính phủ do lo ngại kế hoạch này sẽ đem lại nhiều bất lợi cho người lao động.

Công nhân vệ sinh, nhân viên một số ngành năng lượng của Pháp cũng hưởng ứng phong trào này.

Trong ngày 3/4, nhân viên hãng hàng không Air France đình công đòi tăng lương lên mức 6% chứ không phải 1% theo như kế hoạch năm.

Các công nhân thu gom rác bắt đầu cuộc đình công để đòi hỏi phải thành lập một cơ quan quản lý dịch vụ công quốc gia cho ngành này, cũng như công nhận đây là một lĩnh vực lao động nặng và cực nhọc, mở đường cho khả năng được về hưu sớm của các công nhân.

Các công đoàn ngành năng lượng điện và khí đốt cũng kêu gọi các kỹ sư và công nhân tham gia phong trào đình công đến ngày 28/6.

Ngoài việc yêu cầu thành lập một cơ quan quản lý dịch vụ công quốc gia mới "đáp ứng được lợi ích chung", công đoàn mong muốn chấm dứt việc tự do hoá thị trường điện và khí đốt.

Các kế hoạch cải cách của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác của Pháp tích cực hoan nghênh.

Ngược lại, những kế hoạch này vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động.

Hàng loạt cuộc biểu tình và đình công của người lao động ở Pháp đã được tổ chức tại hầu hết các thành phố lớn, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.

Hậu quả là các hãng hàng không phải hủy hàng trăm chuyến bay, hoạt động giảng dạy tại nhiều trường học bị gián đoạn, thậm chí có những cuộc biểu tình biến thành bạo lực, tạo thành nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục