Chôm chôm Việt lần đầu xuất sang New Zealand

11:29' - 10/04/2018
BNEWS Sáng 10/4, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam tổ chức Lễ công bố xuất khẩu quả chôm chôm Việt Nam sang New Zealand.

Như vậy, sau xoài và thanh long thì chôm chôm là mặt hàng trái cây thứ 3 xuất khẩu được sang thị trường khó tính này.

Lễ công bố xuất khẩu quả chôm chôm Việt Nam sang New Zealand. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để xuất khẩu được chôm chôm sang New Zealand, cần phải đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu như: phải lập hồ sơ đăng ký vườn trồng chôm chôm và được Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số đáp ứng về biện pháp canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại, sản xuất theo quy trình đúng quy định và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

Bên cạnh đó, các cơ sở đóng gói đăng ký và được Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của New Zealand về đóng gói và ghi nhãn. Các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ Thực vật cấp giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu xử lý đối với chôm chôm xuất khẩu sang New Zealand đúng yêu cầu nhập khẩu.

Ngoài ra, các lô hàng đều được cán bộ kiểm dịch thực vật của Cục Bảo vệ Thực vật kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đảm bảo đáp ứng quy định của New Zealand; trong đó đảm bảo không bị nhiễm các loài sinh vật gây hại Bactrocera dorsalis, Conogethes punctiferalis, Cryptophlebia ombrodelta và được xử lý chiếu xạ với liều tối thiểu là 150 Gray và tối đa không vượt quá 1.000 Gray.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, sự kiện này đánh dấu mốc trong quan hệ hợp tác về nông nghiệp giữa Việt Nam và New Zealand nói chung, đặc biệt là vấn đề thương mại nông sản nói riêng.

Quả chôm chôm vào được thị trường New Zealand cũng khẳng định lợi thế cơ hội của trái cây Việt Nam; đồng thời khẳng định chất lượng của trái cây Việt Nam đã được cải thiện. Bởi, New Zealand là một thị trường kiểm soát rất nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch thực vật.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường New Zealand, Thứ trưởng Doanh cho rằng, đây là một thị trường rất khó tính, họ đưa ra các yêu cầu rất nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật. Do đó, trái cây Việt Nam khi đã vào được thị trường này thì cũng là cơ hội để vào được các thị trường khó tính khác.

"Đặc biệt, hiện nay với sự vào cuộc rất mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp và nông dân, tôi tin tưởng rằng trái cây Việt Nam tiếp tục phát triển hơn nữa, đặc biệt là xuất khẩu trái cây sẽ tăng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung chỉ đạo từ việc nghiên cứu, ứng dụng các khoa học công nghệ tiên tiến về giống kỹ thuật canh tác, bảo quản chế biến..., đồng thời, cũng phải tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là xây dựng được chuỗi giá trị nông sản.

Có vậy, Việt Nam mới có đủ nông sản chất lượng, nông sản sạch... đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các nước nhập khẩu, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Là một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây, ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Agricare chia sẻ: "Sau sự kiện này chúng tôi sẽ tiếp cận với các doanh nghiệp phía New Zealand, tìm hiểu và mở rộng sang thị trường này. Hy vọng trong thời gian sớm nhất lô hàng chôm chôm sẽ cập bến thị trường New Zealand".

Ông Thắng cho biết thêm, New Zealand là một thị trường rất khó tính, nếu đưa được sản phẩm vào thị trường này thì cũng là cơ hội cho doanh nghiệp nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính khác trên thế giới.

Năm 2017, xuất khẩu trái cây đạt giá trị 3,5 tỷ USD. Tính riêng Quý I năm 2018, giá trị xuất khẩu trái cây đã đạt 934 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017, đây là tín hiệu rất khả quan cho xuất khẩu trái cây của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục