Chuyển đổi cây trồng ở ĐBSCL - Bài 3: Đồng bộ, liên hoàn trong sản xuất

15:50' - 09/01/2018
BNEWS Đồng bằng sông Cửu Long muốn thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng thành công hơn nữa thì nông dân phải bỏ tư duy mùa vụ, doanh nghiệp bỏ tư duy thương vụ và chính quyền bỏ tư duy nhiệm kỳ....
Nếu có thể hoàn thiện những yêu cầu trước mắt thì kế hoạch chuyển đổi cây trồng sẽ mang lại nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa cho người sản xuất. Ảnh minh họa: Hồ Cầu-TTXVN

Để kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên diện tích lúa kém hiệu quả phát huy thành quả tốt, các đơn vị chức năng, cũng như các doanh nghiệp tham gia trong quá trình này cần có những giải pháp thực hiện đồng bộ và liên hoàn từ quy hoạch đến sản xuất và tìm đầu ra. Có như vậy mới thúc đẩy sản xuất mang lại giá trị cao cho người nông dân.

*Phát triển nguồn giống chất lượng

Một trong những yếu tố góp phần làm nên sự chuyển đổi cây trồng thành công là nguồn giống phục vụ cho sản xuất đảm bảo chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, giúp tỷ lệ hao hụt trong đầu tư mới đạt mức thấp nhất, cho năng suất và sản phẩm đạt chất lượng cao.

Hiện nay, tỷ lệ thất thoát, hao hụt trong sản xuất nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê đạt mức 30% qua tất cả các khâu; trong đó, khâu giống chiếm một phần không nhỏ.

Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính mỗi năm các doanh nghiệp đã phải nhập khẩu gần 150.000 tấn giống cây trồng để phục vụ cho sản xuất, với chi phí hơn 500 triệu USD; trong đó, lúa giống chiếm 7.000 tấn, còn lại là các giống rau, củ, cây ăn trái.

Trong khi đó, khả năng cung cấp giống cây trồng trong nước hiện vẫn chưa đủ cung ứng cho thị trường phục vụ sản xuất và chất lượng cây giống vẫn chưa cao.

Theo khảo sát nhiều hộ sản xuất cây ăn quả tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, hầu hết nông dân đều chọn nguồn cây giống trong nước để sản xuất, nhưng tỷ lệ hao hụt lớn do cây chết non, ra trái chậm, năng suất thấp. Để có thể phát triển ổn định, nhập khẩu cây giống là con đường bắt buộc.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp trên cả nước tham gia sản xuất giống cây trồng chưa nhiều. Hơn nữa, số lượng giống mới do chính doanh nghiệp tự nghiên cứu lại càng ít, chiếm 12 giống trong số 267 giống mới được công bố đưa vào sản xuất. Trước thực tế này, phải đầu tư vào nguồn giống phục vụ cho chuyển đổi cây trồng là điều cần thiết.

TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chia sẻ, các viện nghiên cứu giống cây trồng cả nước cũng đã tích cực nghiên cứu các loại giống mới.

Tuy nhiên, để nguồn giống được sử dụng rộng rãi thì nhất thiết phải có sự hỗ trợ kinh phí từ Chính phủ cho các Viện, trường để nghiên cứu.

Đồng thời, giữa Viện và các trường cùng với các doanh nghiệp phải có sự hợp tác chặt chẽ để khâu nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh giống cây trồng đạt hiệu quả cao, tăng khả năng cạnh tranh với nguồn giống nhập khẩu từ nước ngoài. Khi có sự hợp tác này sẽ thúc đẩy công tác nghiên cứu giống mới, chất lượng cao để phục vụ cho thị trường.

Trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia sản xuất giống đạt hiệu quả cao như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan,… Với tình trạng nhập khẩu giống cây trồng số lượng lớn như hiện nay, nhiều đơn vị chức năng của Việt Nam cũng đã ra nước ngoài học tập cách sản xuất giống chất lượng.

TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho hay, hàng năm đoàn cán bộ nông nghiệp của tỉnh Bến Tre đều sang Thái Lan để tìm hiểu về các loại giống cây ăn quả mới, cho năng suất cao như sầu riêng, bòn bon, măng cụt, chôm chôm, ....

Khi có được những thông tin này, lãnh đạo địa phương mới có thể hướng dẫn nông dân sản xuất giống mới phục vụ cho sản xuất.

* Hỗ trợ đắc lực của chính sách

Việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả là một vấn đề lớn đã được đề cập tại “Hội nghị diên hồng” phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra từ hồi tháng 9/2017.

Theo đó, khu vực này được quy hoạch phát triển 3 sản phẩm chủ lực là thủy sản, cây ăn trái và lúa gạo. Cho đến nay, phát triển diện tích cây ăn trái tại khu vực này đã mang lại dấu hiệu tốt cho người sản xuất và kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên, để bước đệm này vươn lên thành thành phần kinh tế chính, cộng đồng nông dân và doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chuyển đổi cây trồng này vẫn rất cần sự hỗ trợ đắc lực từ chính sách của Chính phủ về nguồn vốn, hạ tầng thủy lợi phục vụ cho tưới tiêu các loại cây này, hệ thống logistics kiện toàn để tạo điều kiện thông thoáng trong khu vực.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long muốn thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng thành công hơn nữa thì nông dân phải bỏ tư duy mùa vụ, doanh nghiệp bỏ tư duy thương vụ và chính quyền bỏ tư duy nhiệm kỳ, tất cả tập trung vào mục tiêu làm tốt nhiệm vụ trước mắt thì “cỗ xe” chuyển đổi mới vận hành trôi chảy.

GS. TS Võ Tòng Xuân khẳng định, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn rất nhạy trong vấn đề sản xuất. Cái khó của họ chính là nguồn vốn và thị trường.

Vì vậy, Chính phủ cần có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn hơn nữa. Khi nguồn vốn được cải thiện, người sản xuất mới mạnh dạn đầu tư.

Điển hình tại tỉnh Hậu Giang, với chính sách tiếp cận nguồn vốn hiện nay, bình quân chỉ có một phần tư số hộ (tương đương 700/2.900 hộ) tham gia công tác chuyển đổi được vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các tỉnh đóng vai trò đầu tàu trong việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân.

Địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ngay trên vùng nguyên liệu khi họ tham gia vào chuỗi này.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng cây lương thực, thực phẩm, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nông dân vốn chỉ giỏi về sản xuất, với thông tin thị trường phải có một đơn vị chuyên môn hoạch định rõ ràng để định hướng sản xuất cho nông dân.

Có như vậy, thì người sản xuất mới đủ sức bật và động lực làm ra sản phẩm chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và cả thị trường quốc tế.

Nếu có thể hoàn thiện những yêu cầu trước mắt thì kế hoạch chuyển đổi cây trồng sẽ mang lại nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa cho người sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, tạo đà phát triển kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên cả hai “chiến địa” trong nước và quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục