Cơ cấu lại ngành nông nghiệp - Bài 1: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm

10:59' - 30/12/2017
BNEWS “Nếu không tính toán kỹ, xác định những sản phẩm lựa chọn mang tính thế mạnh có giá thành phù hợp, có sức cạnh tranh về chất lượng thì không thể chiến thắng được, thậm chí chúng ta thua trên sân nhà”.
Thủy sản được lựa chọn lên vị trí hàng đầu với hai sản phẩm điển hình là tôm và cá tra. Ảnh: Thanh Liêm-TTXVN

Sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp, nông thôn đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn cùng với quá trình phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực nông nghiệp, nông thôn và chưa đồng đều giữa các vùng.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp; môi trường ô nhiễm, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020 với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 3,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%, lao động nông nghiệp được đào tạo đạt khoảng 22%.

Vì vậy, hướng vào chuỗi giá trị và phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới để thực hiện Kế hoạch này.

Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh trong cuộc cách mạng sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo sự đổi mới về chất lượng nông nghiệp theo hướng chuyên sâu.

Bài 1: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm

Triển khai Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã xác định rõ phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Để đạt được mục tiêu của kế hoạch, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp, đảm bảo phát huy được lợi thế của từng vùng, từng địa phương và tạo vùng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện nay đang có rất nhiều áp lực, điều kiện bắt buộc Việt Nam phải tập trung để xử lý trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó, nổi lên 2 vấn đề là: thích ứng biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường.

Trong 2 năm qua, biến đổi khí hậu diễn biến cực đoan, gay gắt, có nhiều dị thường hơn so với kịch bản dự báo và đã gây tổn thất rất lớn, nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế-xã hội.

Nhưng từ những tác động của biến đổi khí hậu, nếu Việt Nam biết lựa chọn đúng đối tượng sản xuất thì chắc chắn vẫn thành công trong tái cơ cấu.

Sức sản xuất nông nghiệp Việt Nam không chỉ thỏa mãn cho nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi trên 180 thị trường với kim ngạch đạt hơn 36 tỷ USD.

Việt Nam đã có một nền kinh tế mở về nông nghiệp và cũng phải chấp nhận hàng hóa bên ngoài về nông sản vào nội địa.

Do đó, phải nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp nói riêng.

“Nếu không tính toán kỹ, xác định những sản phẩm lựa chọn mang tính thế mạnh có giá thành phù hợp, có sức cạnh tranh về chất lượng thì không thể chiến thắng được, thậm chí chúng ta thua trên sân nhà”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, biến đổi khí hậu cũng tạo ra những dư địa mới, nếu biết cách vận dụng có thể đưa ra những sản phẩm phù hợp mang tính chất lợi thế cạnh tranh.

Chẳng hạn, Đồng bằng sông Cửu Long vốn trước đây tập trung một vựa nông sản: lúa gạo, thủy sản, trái cây, nay chuyển sang theo trình tự, thứ tự: thủy sản, trái cây, lúa gạo.

Thủy sản được lựa chọn lên vị trí hàng đầu với hai sản phẩm điển hình là tôm và cá tra do xu hướng thị trường thế giới tốc độ tăng, nhu cầu thủy sản tăng từ 5-7%.

Riêng với con tôm, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu đưa ngành tôm Việt Nam tiến lên thành ngành công nghiệp sản xuất lớn và phấn đấu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD.

Để tiến tới mục tiêu đó, Tổng cục Thủy sản tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành này, tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác đối với các hộ nhỏ lẻ, thực hiện liên kết với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, phổ biến để nhân rộng các mô hình có hiệu quả từ thực tiễn sản xuất.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường thâm canh tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất.

Với cá tra, tiếp tục tập trung kiểm soát điều kiện sản xuất và sản phẩm, thực hiện Đề án sản phẩm chủ lực quốc gia cá da trơn để tạo dòng sản phẩm chất lượng cao.

Ngoài hai đối tượng chủ lực trên, ngành thủy sản tiếp tục phát triển nuôi một số đối tượng khác như cá rô phi, tôm càng xanh, nhuyễn thể…

Trong lĩnh vực khai thác, tiếp tục tổ chức lại sản xuất trên biển theo chuỗi, nhân rộng các mô hình tổ chức liên kết sản xuất như: tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản…

Với việc chuyển sang thứ tự như thủy sản, trái cây, lúa gạo, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển mạnh đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây, vật nuôi khác phù hợp nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả và ổn định sản xuất; giảm dần diện tích sản xuất lúa, sắn; tăng cường sử dụng giống tốt, năng suất chất lượng cao.

Theo đó, các địa phương sẽ rà soát mở rộng diện tích những cây trồng có nhu cầu tiêu thụ tăng cao, nhất là trong các vụ Đông ở miền Bắc như khoai tây, ngô, rau, hoa ở các tỉnh phía Bắc, điều chỉnh thời vụ gieo trồng đối với lúa, rải vụ đối với một số cây ăn quả như nhãn, thanh long, xoài…

Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu đưa ngành tôm Việt Nam tiến lên thành ngành công nghiệp sản xuất lớn. Ảnh: Thanh Liêm-TTXVN

Chăn nuôi là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển khá cao. Sản lượng một số loại vật nuôi tăng nhanh chóng, vượt cả nhu cầu thị trường nhưng một trong những tồn tại lớn của ngành là giá thành sản xuất vẫn khá cao so với khu vực và thế giới.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp giảm chi phí, các doanh nghiệp giảm giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành; tiến hành rà soát, điều chỉnh giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái, đàn gia cầm.

Song song với đó là điều chỉnh lại cơ cấu, chất lượng đàn giống và phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường, khuyến khích chăn nuôi hữu cơ.

Đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ đối với những đối tượng vật nuôi đang có thị trường thuận lợi như bò thịt, bò sữa.

Nhưng để sản xuất hiệu quả, tránh tình trạng phải “giải cứu” nông sản như vừa qua cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm, ông Hoàng Thanh Vân cho rằng, phải tổ chức sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi để có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cùng với việc cơ cấu lại theo lĩnh vực, sản phẩm theo lợi thế và nhu cầu thị trường, cần áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm.

Đồng thời tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến.

Bởi vậy, cần khuyến khích liên kết giữa các tổ chức nhà nước với các doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

ẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ hiệu quả, bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Tiến hành rà soát, đánh giá thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, sản phẩm theo lợi thế và nhu cầu thị trường.

Chính vì thế, vừa qua trong chương trình tái cơ cấu chung, ngành, các địa phương đã và tiếp tục tập trung mạnh vào 3 trục sản phẩm: sản phẩm quốc gia, sản phẩm lợi thế cấp tỉnh và sản phẩm là đặc sản địa phương (mỗi làng một sản phẩm - OCOP).

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề xuất 19 sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là: lúa gạo; cà phê; hồ tiêu; rau, quả và nấm; điều; cao su; chè; dừa; cây dược liệu; lợn; gia cầm; bò thịt; bò sữa; tôm; cá da trơn; cá ngừ đại dương; cá rô phi; nhuyễn thể; gỗ keo và các sản phẩm từ gỗ keo.

Đặc biệt, với 10 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên sẽ rà soát lại, tập trung vào những khâu yếu nhất ở những chuỗi sản xuất để lập lại./.

Bài 2: Ưu tiên phát triển “vựa” giống

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục