Đánh giá hiệu quả của chính sách hai con ở Trung Quốc

06:30' - 30/04/2017
BNEWS Đầu năm 2016, Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng luật kế hoạch hóa gia đình, cho phép tất cả các cặp vợ chồng có con thứ hai. Vậy trong một năm qua, chính sách mới này thực sự có hiệu quả?
Đánh giá hiệu quả của chính sách hai con ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Chính sách mới này đã có hiệu lực từ tháng 3/2017 sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ XII chính thức thông qua.

Theo "Diễn đàn Đông Á" số mới ra, trong Đại hội trên, ông Wang Pei'an, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đã báo cáo trong năm 2016, số trẻ sinh ra tại các bệnh viện trung ương lên tới 18.460.000 trẻ và tỷ lệ sinh đạt 1,7% - mức cao nhất kể từ năm 2000.

Tiến bộ ban đầu này là nhờ nỗ lực của Chính phủ và xã hội Trung Quốc trong năm qua.

Để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con thứ hai, Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc đã xem xét “Sửa đổi luật dân số và kế hoạch hóa gia đình”. Dự thảo mới này nhằm thực hiện “chính sách hai con toàn diện” và khuyến khích các cặp vợ chồng nên có hai con.

Trong dự thảo, chính phủ đã chú ý sử dụng thuật ngữ “khuyến khích” thay vì “cho phép”.

Khuyến khích sinh sản trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực của xã hội Trung Quốc. Ví dụ, nhiều đài truyền hình đang nỗ lực tạo ra một bầu không khí tôn trọng gia đình và khả năng sinh sản, thông qua các chương trình truyền hình về Lễ hội Mùa xuân thường niên.

Tuy nhiên, chính sách hai con không dễ gì giải quyết được các vấn đề về dân số ở Trung Quốc. Gia tăng dân số hàng năm trong năm 2016 là 17.860.000 người, nhiều hơn so với năm 2015 là 1.310.000 người. Song ở một số tỉnh, tỷ lệ sinh sản năm 2016 vẫn còn thấp hơn so với năm trước đó.

Theo Ủy ban Quốc gia về sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình, kể từ đầu năm 2016, hơn một nửa trong số 90 triệu cặp vợ chồng mới có phụ nữ ở độ tuổi từ 35 trở lên.

Geng Linlin, Phó Giám đốc Trung tâm lâm sàng, Viện Nghiên cứu Khoa học thuộc Ủy ban này lưu ý rằng phần lớn trong số những người phụ nữ này cảm thấy khó khăn trong việc sinh con thứ hai.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của học giả về dân số Liang Jianzhang, 70-80% cặp vợ chồng Trung Quốc muốn có hai con, nhưng chỉ có 3% “dám” sinh con thứ hai. Trong thập kỷ tới, số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ giảm xuống còn khoảng 40%.

Do đó, nhiều khả năng tỷ lệ sinh trong năm 2018 sẽ giảm mạnh. Ngay cả với những thay đổi chính sách, các yếu tố xã hội khác cũng đang tiếp tục cản trở tỷ lệ sinh.

Nhiều cặp vợ chồng ngại sinh con thứ hai do áp lực tài chính. Ảnh: Reuters

Trong một cuộc khảo sát được Ủy bay này thực hiện hồi năm 2015, rất nhiều cặp vợ chồng ngại sinh con thứ hai do áp lực tài chính, công việc nuôi dạy con cái và thiếu người chăm sóc. Các yếu tố xã hội hạn chế tỷ lệ sinh cũng rất đa dạng, từ phân biệt đối xử lao động nữ cho đến ô nhiễm môi trường, sử dụng hóa chất phổ biến hoặc tiếp xúc với bức xạ điện từ.

Tất cả những yếu tố trên ảnh hưởng đến khả năng và mong muốn tiếp tục sinh đẻ của người dân. Kết quả là ngày càng có nhiều người Trung Quốc tìm cách ra nước ngoài để thực hiện ước mơ của họ về việc sinh con thứ hai.

Các nhà nghiên cứu và chuyên gia ủng hộ Chính phủ Trung Quốc phải có thêm các biện pháp. Liang Jianzhang đã lập luận rằng “ngay khi có một kế hoạch đầy tham vọng thì phải có các biện pháp thích hợp để thực hiện”.

Mặc dù “chính sách hai con toàn diện” của Trung Quốc có thể tạm thời giải tỏa việc giảm tổng dân số và lực lượng lao động đang có nguy cơ bị thu hẹp, nhưng vấn đề khó khăn hơn là Chính phủ Trung Quốc phải có những giải pháp nào để làm chậm cơ cấu dân số đang lão hóa và suy giảm trong thời gian dài hạn.

Liệu các chính sách về kế hoạch hóa gia đình có nên được bãi bỏ hoàn toàn hay không?

Tháng 11/2016, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã công bố một bản báo cáo rất quan trọng chỉ ra rằng những thay đổi lối sống có thể dẫn đến sự chậm trễ trong hôn nhân và sinh đẻ.

Để tránh rơi vào “bẫy sinh đẻ thấp” - khi mà sinh sản và hành vi sinh sản của người dân tiếp tục giảm bất chấp các biện pháp chính sách tích cực - Trung Quốc cần phải tiếp tục nới lỏng hoặc thậm chí xóa bỏ các hạn chế về sinh sản.

Ngày 5/3/2017, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nêu trong Báo cáo công tác của chính phủ rằng “để thích ứng với việc thực hiện chính sách hai con toàn diện, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cần phải được tăng cường”. Đây dường như là một bước đi đúng hướng.

Tuy nhiên, để khuyến khích các cặp vợ chồng có con thứ hai, Chính phủ Trung Quốc nên xem xét đưa ra thêm biện pháp để hỗ trợ và trợ cấp các chi phí liên quan đến cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc y tế và việc làm.

Điều này sẽ giảm bớt áp lực nuôi trẻ và giúp điều chỉnh một số gánh nặng xã hội và tài chính vốn làm nản lòng các cặp vợ chồng trẻ ở Trung Quốc ngày nay.

>>> Trung Quốc sẽ tạo hơn 50 triệu việc làm mới ở thành thị đến năm 2020

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục