Đắk Lắk: Nhiều diện tích mía nằm “phơi đồng” chờ thu mua

13:00' - 26/03/2018
BNEWS Theo phản ánh của người trồng mía tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), niên vụ 2017-2018, nhiều diện tích mía đến kỳ thu hoạch phải nằm “phơi đồng” chờ công ty thu mua.
Một phần diện tích mía đến kỳ thu hoạch bị chết. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Theo phản ánh của người trồng mía tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), niên vụ 2017-2018, do tiến độ thu mua mía của Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk khá chậm so với các vụ mía trước, làm ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cây mía khiến nhiều diện tích mía đến kỳ thu hoạch phải nằm “phơi đồng” chờ công ty thu mua.

Niên vụ 2017 - 2018, gia đình ông Đinh Hữu Bảy, thôn 9, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp trồng 35 ha mía, mỗi ha mía được đầu tư khoảng 50 triệu đồng chi phí sản xuất và thu hoạch; trong đó Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk hỗ trợ 30 triệu đồng/ha, theo ông Bảy, các niên vụ trước, toàn bộ diện tích mía của xã Ya Tờ Mốt đều được công ty thu mua hết trước Tết Nguyên đán, nhưng thời điểm hiện tại công ty mới chỉ thu mua của gia đình ông Bảy gần 1/3 diện tích mía.

Theo những người trồng mía, việc thu mua chậm so với các niên vụ trước không chỉ làm ảnh hưởng đến năng suất cây mía mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với các diện tích mía bị chết khô, mía đã thu hoạch nhưng chưa được thu mua làm giảm trọng lượng do thời tiết nắng nóng.

Điều khiến người dân lo lắng nhất là việc công ty thu mua chậm so với các niên vụ trước có thể ảnh hưởng đến việc lưu gốc của vụ mía năm sau.

Theo những nông hộ trồng mía tại Ea Súp, diện tích mía chết khô, héo gốc hay thu hoạch muộn đều có nguy cơ bị chết gốc và không lên mầm, ảnh hưởng đến diện tích, năng suất của vụ mía năm sau.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk cho biết, thời gian thu hoạch cây mía bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, phía công ty sẽ tiến hành thu mua đến tháng 5/2018 mới kết thúc; đồng thời, khẳng định công ty sẽ thu mua mía đảm bảo tiêu chuẩn với giá 800.000 đồng/tấn mía, đối với diện tích mía bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan công ty sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp theo quy định.

Công ty cũng khuyến cáo người dân nên tuân thủ lịch thu hoạch mía, tránh tình trạng bà con tự ý thu hoạch, công ty không thu mua kịp, dẫn đến việc mía phải đã thu hoạch phải nằm “phơi đồng”, ảnh hưởng đến chất lượng và trọng lượng cây mía.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ea Súp, hiện toàn huyện còn gần 1.800 ha mía chưa được Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk thu mua, sở dĩ tiến độ thu mua mía chậm so với các niên vụ trước là do công suất của công ty chỉ đạt 2.300 tấn/ngày đêm, trong khi đó toàn huyện Ea Súp có hơn 4.000 ha mía với sản lượng đạt 32.000 tấn.

Theo tính toán của ông Phú, với sản lượng trên so với công suất hoạt động của Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk phải cần 4 tháng mới có thể thu mua hết diện tích mía tại huyện Ea Súp.

Cũng theo ông Phú, Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk mới được di chuyển về địa phận huyện Ea Súp, bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2017 ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ thu mua mía của bà con.

Cây mía là một trong những cây trồng chủ lực đem lại lợi ích kinh tế cho bà con vùng biên huyện Ea Súp. Vì vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk cần có những giải pháp cấp bách, đẩy nhanh tiến độ thu mua mía, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người trồng mía, đồng thời có kế hoạch gieo trồng, thu hoạch phù hợp với đặc thù thời tiết vùng Ea Súp, trách tiếp diễn tình trạng mía chết gốc hay nằm “phơi đồng” như niên vụ năm nay.

Niên vụ 2016 -2017 toàn huyện Ea Súp có hơn 2.000 ha mía, đến niên vụ 2017-2018 diện tích tăng lên hơn 4.000 ha đều nằm trong quy hoạch của địa phương, tập trung tại các xã Ya Tờ Mốt, Cư M’lan, Ea Bung, Cư Kbang....

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục