Đắk Nông: Tình trạng chiếm dụng, xây nhà trái phép trên đất lâm nghiệp chưa được xử lý

08:24' - 19/01/2018
BNEWS Tình trạng chiếm dụng, xây nhà trái phép trên đất lâm nghiệp tại xã Thuận Hà vẫn chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.
Đất lấn chiếm được san ủi, rào chắn cẩn thận tại xã Thuận Hà. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

Gần 1 năm nay, hàng chục hộ dân ngang nhiên lấn chiếm, mua bán, xây dựng nhà, lều lán trái phép tại khu vực ngã ba thôn 8, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Tình trạng này gây mất an ninh trật tự nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Ngang nhiên lấn chiến, mua bán, xây dựng trái phép

Khu đất đang bị mua bán, sang nhượng, xây dựng nhà trái phép có vị trí khá đẹp, nằm ngay ngã ba đường liên xã Thuận Hà nối với Quốc lộ 14C. Do nằm ngã ba đường nên nếu được quy hoạch, xây dựng bài bản đây sẽ là khu “đất vàng” ở xã vùng biên Thuận Hà. Tại khu đất này đã có hàng chục lều lán bằng gỗ hoặc khung sắt, lợp tôn được dựng lên, thậm chí có nhà được xây dựng kiên cố. Hầu hết lều lán dựng tạm bợ, không có người ở nhưng theo người dân đây là đất đã “có chủ”.

Người dân địa phương cho biết, tại khu vực này có một số băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, “bảo kê” cho việc lấn chiếm đất, dựng nhà trái phép. Người dân cho rằng, việc các đối tượng ngang nhiên chiếm đất công để dựng nhà, mua bán là do các cơ quan chức năng “làm ngơ”.

Ông Trần Đức Biên (trú tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) cho biết: Năm 2017, ông mua 30m đất mặt đường, chiều sâu 40m tại đây với giá hơn 300 triệu đồng. Hiện lô đất ông mua đã được san ủi vuông vắn, rào chắn cẩn thận và đang xây nhà khung sắt, lợp tôn, dự kiến sẽ vào ở trước Tết Nguyên đán. Theo ông Biên, khi mua lô đất này ông đã tìm hiểu kỹ và hoàn toàn “đúng luật”.

“Ở khu này, người dân chiếm dụng, mua bán đất lâm nghiệp là chuyện bình thường. Việc mua bán chỉ diễn ra bằng giấy viết tay cam kết giữa bên mua và bên bán. Trước khi mua, chúng tôi cũng tìm hiểu kỹ nguồn gốc đất của ai, được khai hoang khi nào rồi mới quyết định thỏa thuận giá, trả tiền và chúng tôi sở hữu đất, ông Biên cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, diện tích đất bị người dân chiếm dụng, mua bán, xây dựng nhà trái phép thuộc khoảnh 6, tiểu khu 1124, trước đây do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Thuận Tân (Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân) quản lý.

Một phần khu đất (khoảng 1 ha) được Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân tạm giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư EIE Bình Phước (Công ty EIE) quản lý để xây dựng nhà ở công nhân, vườn ươm cây giống trong thời gian hai bên thực hiện liên doanh, liên kết trồng rừng. Một phần nằm trong diện tích 28 ha mà Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân đã ký hợp đồng giao khoán không đúng đối tượng theo Nghị định 135 của Chính phủ cho ông Lê Ân Tình - nguyên là Trưởng Công an huyện Đắk Song.

Những ngôi nhà tạm bằng tôn được các đối tượng chiếm dụng đất dựng lên tại xã Thuận Hà. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

Khó khăn trong xử lý

Sau khi Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân giải thể, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi và giao diện tích đất lâm nghiệp của công ty về cho UBND huyện Đắk Song quản lý, sử dụng. Đến tháng 9/2017, UBND huyện Đắk Song có biên bản bàn giao hơn 1.535 ha đất lâm nghiệp cho xã Thuận Hà quản lý, bố trí sử dụng, trong đó có diện tích đất ở khu vực ngã ba thôn 8 đang bị người dân lấn chiếm, mua bán, xây dựng trái phép.

Ông Nguyễn Minh Tiền - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hà thừa nhận tình trạng người dân lấn chiếm, mua bán, xây dựng trái phép đã diễn ra từ lâu và địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết tình trạng này. Khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã đã chỉ đạo cơ quan công an, địa chính nắm bắt tình hình, lập biên bản các trường hợp dựng nhà trái phép.

Qua rà soát, thống kê sơ bộ có 8 hộ có hộ khẩu tại xã Thuận Hà, Thuận Hạnh đã lấn chiếm, mua bán, dựng nhà trái phép tại khu vực này. “Các trường hợp mua bán bằng giấy viết tay, xây dựng nhà, lán lén lút nên rất khó xử lý”, ông Nguyễn Minh Tiền nói.

Ông Nguyễn Minh Tiền cũng cho hay, việc xử lý khó khăn nhất là diện tích đất trên trước đây thuộc “quyền sử dụng” của ông Lê Ân Tình. Trong hợp đồng giao khoán giữa Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân với ông Tình chỉ rõ, không có “đối tượng thứ 3” tham gia vào thực hiện việc sử dụng, trồng rừng hay sản xuất trên diện tích đất 135 mà công ty đã giao cho ông Tình.

Chỉ khi nào ông Tình trực tiếp đứng ra khiếu nại, tố cáo các đối tượng trực tiếp tranh giành, lấn chiếm, mua bán và dựng nhà trái phép trên phần đất mà ông đã nhận giao khoán, UBND xã mới có thể báo cáo và phối hợp với cấp trên để giải quyết.

Bên cạnh đó, Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân giao cho Công ty EIE cũng không thông qua UBND xã. Việc Công ty EIE ủy quyền cho ông Phạm Văn Nhung, trú tại thị trấn Đức An (Đắk Song) trông coi, sử dụng đất cũng không đúng quy định.

Hiện tại diện tích đất này mặc dù đã được bàn giao về UBND xã Thuận Hà quản lý nhưng chỉ trên giấy tờ; hầu như toàn bộ diện tích này đã bị người dân lấn chiếm, canh tác và sản xuất. Còn việc đo đạc, thống kê chính xác vị trí, tọa độ của tổng diện tích 1.535 ha đất lâm nghiệp không còn rừng của Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân thì chưa được tiến hành.

Do vậy, UBND xã đang tìm giải pháp để xử lý, thu hồi diện tích đất trên. Về hướng xử lý tiếp theo, ông Tiền cho biết xã sẽ có phương án tham mưu cho UBND huyện Đắk Song thu hồi diện tích đất của các hộ dân đang lấn chiến để trồng lại rừng. Đối với thông tin phản ánh của người dân có một số nhóm đối tượng giang hồ đứng ra “bảo kê” cho việc lấn chiếm, thậm chí cướp đất, hiện Cơ quan Công an huyện Đắk Song đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ.

Theo người dân, việc tranh giành, lấn chiếm, buôn bán trái phép diễn ra liên tục trong thời gian dài, nhưng khi được người dân trình báo nhưng UBND xã và công an xã Thuận Hà chỉ đến lập biên bản hiện trường. Các đối tượngtranh giành, mua bán và xâm chiếm trái phép cũng đã xác định được nhưng cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp ngăn chặn nào. Vì vậy, sau khi lực lượng chức năng đi về, các đối tượng tiếp tục xây dựng nhà, dựng lán trại và tranh giành, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy quân sự xã Thuận Hà cũng đã có hợp đồng “mượn” diện tích đất này để xây dựng trụ sở làm việc (Hợp đồng Kinh tế số 01/HĐ-KT được Ban Chỉ huy quân sự xã Thuận Hà ký kết với ông Phạm Văn Nhung, người được Công ty EIE ủy quyền trông coi diện tích đất mà công ty được Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân bàn giao).

Theo hợp đồng, Ban Chỉ huy Quân sự xã Thuận Hà “mượn” của ông Nhung diện tích đất 2000 m2 trong thời gian 60 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng 15/11/2016; sử dụng vào mục đích xây dựng chốt quân sự. Như vậy, một phần diện tích đất mà người dân đang tranh giành, lấn chiếm, mua bán đang thuộc diện “quản lý” của Ban Chỉ huy Quân sự xã Thuận Hà. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy Quân sự xã Thuận Hà hoàn toàn... đứng ngoài cuộc khi có sự tranh giành, lấn chiếm và mua bán trái phép trên diện tích đất này.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hiển, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Song cho biết, UBND huyện đã bàn giao diện tích đất lâm nghiệp thu hồi của Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân về cho các xã quản lý. Vì vậy, UBND xã Thuận Hà phải có trách nhiệm rà soát, quản lý và đề xuất phương án quản lý, bố trí sử dụng đối với diện tích đất không còn rừng.

Trong khi các các cơ quan chức năng đang “loay hoay” tìm phương án giải quyết thì tình trạng lấn chiếm, mua bán, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại ngã ba thôn 8, xã Thuận Hà vẫn diễn biến phức tạp. Các cấp chính quyền tỉnh Đắk Nông cần sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục