Đầu Xuân ghé thăm Hội chợ đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật lớn ở London

09:20' - 11/01/2017
BNEWS Đến hẹn lại lên, Hội chợ đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật Mayfair ở thủ đô London lại thu hút một lượng lớn các nhà sưu tầm, khách du lịch tới... để “ngắm” những đồ cổ và các tác phẩm nghệ thuật quý.
Đồ trang sức là một trong những mặt hàng thu hút nhiều khách mua nhất. Ảnh: Như Mai/TTXVN

Vào mỗi dịp đầu Xuân, Hội chợ đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật Mayfair ở thủ đô London lại thu hút một lượng lớn các nhà sưu tầm quốc tế, trang trí nội thất, hướng dẫn viên bảo tàng, khách du lịch và tất nhiên không thể thiếu những người đến hội chợ chỉ để “ngắm” những đồ cổ và các tác phẩm nghệ thuật quý hơn là mua chúng.

Có tới 40 công ty bán đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật có uy tín, phần lớn thuộc Hiệp hội các Nhà buôn Đồ cổ Anh và Hiệp hội các Nhà buôn Đồ cổ và Nghệ thuật LAPADA, đã tham gia hội chợ lần thứ năm này. Ước khoảng 2.500-3.000 du khách đã tới tham quan và mua hàng tại Hội chợ đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật Mayfair 2017 diễn ra trong bốn ngày của tuần đầu tiên tháng Giêng, do The Antiques Dealers Fair Limited tổ chức.

Đa phần khách mua là người Anh và châu Âu. Hội chợ năm nay cũng thu hút nhiều hơn khách mua đến từ châu Á như Nhật Bản và Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ và Nam Mỹ, đặc biệt là từ Brazil. Các sản phẩm hội họa, trang sức, thủy tinh và tượng điêu khắc bán tương đối chạy. Các tác phẩm đầu thế kỷ 20 cũng khá được ưa chuộng. 

Lần đầu tham dự hội chợ, công ty chuyên về sản phẩm thủy tinh và đèn thủy tinh cổ nổi tiếng Fileman Antiques mang đến những bộ đèn trùm bằng thủy tinh khắc hoa văn tuyệt đẹp từ đầu thế kỷ 19 có giá lên tới cả chục nghìn bảng. Ảnh: Như Mai/TTXVN
Các tác phẩm hội họa luôn có sức hút lớn tại Hội chợ đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật Mayfair. Quầy trưng bày của khoảng bảy phòng tranh lớn đã thu hút lượng lớn khách xem và mua tranh. Ảnh: Như Mai/TTXVN
Giám đốc phòng tranh Atelier Ltd đang nhiệt tình giới thiệu một trong những bức họa sơn dầu được quan tâm nhất tại hội chợ năm nay “Isoult la Desirous and the Forest Maidens” (Quý cô Isoult la Desirous và các thiếu nữ trong rừng) của họa sĩ William Russell Flint RA người xứ Scotland (1880-1969). Bức họa này lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Những người yêu rừng” và có giá bày bán là 30.000 bảng. Ảnh: Như Mai/TTXVN
Bức họa “Linh dương vượt sông” của danh họa sinh năm 1965 tại Anh, Tony Karpinski, là một trong những bức họa có giá cao nhất, lên tới 97.500 bảng, của phòng tranh lớn nhất tại Anh Haynes Fine Art. Phòng tranh này sở hữu những tác phẩm hội họa quý từ thế kỷ 16 đến 21. Ảnh: Như Mai/TTXVN
Quầy trưng bày đồ gỗ và các đồ trang trí nội thất của S & S Timms Antiques Ltd bày bán các sản phẩm gỗ quý hiếm có từ thế kỷ 17-19. Một bàn có ngăn kéo làm từ gỗ óc chó cao cấp thế kỷ 18 có giá khoảng 6.800 bảng. Ảnh: Như Mai/TTXVN
Các sản phẩm trạm khắc gỗ vùng Tunbridge (thuộc Kent) được làm từ gỗ amboyna, một loại gỗ cứng có vân đẹp như đá mã não được nhập từ Malacca (Malaysia), đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ và thời gian lao động trong nhiều tháng của các nghệ nhân. Trong ảnh, hộp đựng trà có khắc hình lâu đài Eridge, một trong những sản phẩm yêu thích của chủ công ty đồ cổ Amherst Antiques, được bày bán với giá 2.250 bảng. Ảnh: Như Mai/TTXVN
Chiếc đồng hồ quý từ thời Đế chế Pháp bằng đồng mạ vàng, sản xuất năm 1810, nằm trong bộ sưu tập đồng hồ cổ quý, hiếm của nhà sưu tập Richard Price. Giá bán của chiếc đồng hồ này là 6.450 bảng. Ảnh: Như Mai/TTXVN
Lưỡng lự trước một bức tượng, một khách mua chụp lại hình để cân nhắc. Ảnh: Như Mai/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục