Đề xuất phong tỏa tài sản ngay khi có dấu hiệu tham nhũng

18:12' - 18/01/2016
BNEWS Bộ Tài chính đề xuất cần phải có quy định niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng chứ không chờ đến khi đã kết án về hành vi tham nhũng.

Đề xuất này được đưa ra tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 18/1 nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tổng kết, đánh giá triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát các nguồn thu nhập của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp. Đây là giải pháp theo lãnh đạo Bộ Tài chính có vai trò cơ bản để phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Ngoài ra, ngành tài chính cũng cần quyết liệt công tác chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, thanh tra chuyên đề về giá.

Hệ thống Kho bạc Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định, nhất là khoản chi xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết từ năm 2007 đến năm 2015 các cơ quan tổ chức của ngành tài chính đã kê khai, nộp lại 322 triệu đồng quà biếu tặng, 1 bộ máy vi tính; 15 bức tranh thêu; 1 lọ hoa; 1 bộ sách và đĩa hát.

Hàng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc và trực thuộc bộ thực hiện nghiêm túc quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Ngành Tài chính đã triển khai hơn 341.000 cuộc thanh, kiểm tra, kiến nghị xử lý về tài chính số tiền trên 90.700 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng luôn xác định công tác cải cách hành chính góp phần phòng ngừa tham nhũng. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, trong 2 năm 2014 - 2015 đã giảm thời gian nộp thuế của doanh nghiệp được 420 giờ/năm (từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm vượt mục tiêu đề ra so với Nghị quyết số 19/NQ-CP là 121,5 giờ).

Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế được rút ngắn đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày và “hoàn thuế trước kiểm tra sau” từ 15 ngày xuống còn 6 ngày...

Đánh giá lại kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, tình hình tham nhũng trong ngành tài chính tuy có xảy ra nhưng ở mức độ thiệt hại thấp và chủ yếu do một số cá nhân có các hành vi cấu kết, thông đồng làm giảm số phải nộp ngân sách Nhà nước, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, biển thủ công quỹ.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai so với thời điểm sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, kết quả phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, tham nhũng, lãng phí đã căn bản được kiềm chế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng chống tham nhũng ở một số đơn vị cơ sở chưa thường xuyên; thông tin, tuyên truyền về kết quả phòng chống tham nhũng có lúc, có nơi chưa đầy đủ, kịp thời, việc xác minh tài sản, thu nhập còn ít được thực hiện và chưa chủ động; c hế độ, định mức, tiêu chuẩn còn nội dung chưa phù hợp với thực tế.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, nguyên nhân của các tồn tại trên là do việc sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập còn chậm ; lực lượng công chức bố trí thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm phòng chống tham nhũng còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu; còn nhiều vướng mắc về thủ tục và sự phối hợp với giữa các cơ quan trong thu hồi tài sản tham nhũng, c hưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi tài sản tham nhũng .../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục