Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017: Chú trọng con đường hội nhập của châu Á

08:40' - 26/03/2017
BNEWS Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) kéo dài trong 4 ngày (23-26/3) tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) với sự tham dự của hơn 1.700 đại biểu là chính khách, thương gia, ...
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tham dự diễn đàn. Ảnh: reuters

Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Toàn cầu hóa trực diện và tương lai của thương mại tự do”.

Xoay quanh chủ đề này sẽ có 13 nội dung như toàn cầu hóa, tăng trưởng kinh tế, vấn đề cải cách, kinh tế mới, hợp tác khu vực, kinh tế vĩ mô, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, an ninh chính trị, bảo đảm an sinh xã hội... với 42 diễn đàn nhỏ, 12 cuộc trao đổi kín.

Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017 diễn ra ngày 25/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Trương Cao Lệ kêu gọi các nước tăng cường hợp tác chiến lược và tin cậy lẫn nhau.

Ông cho rằng các cường quốc trên thế giới cần có trách nhiệm đối với hòa bình thế giới và đóng vai trò tích cực trong các vấn đề quốc tế.

Đề cập tới xu thế bảo hộ đang gia tăng trên thế giới hiện nay, Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ khẳng định Trung Quốc ủng hộ tự do thương mại và hợp tác tích cực.

Tổng Thư ký BFA Chu Văn Trọng khi trả lời phỏng vấn nhà báo cho biết: “Việc các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi làm thế nào ứng phó với toàn cầu hóa sẽ là trọng tâm chính trong hội nghị thường niên lần này”.

Tổng Thư ký BFA cho rằng toàn cầu hóa kinh tế là yêu cầu khách quan của phát triển sức sản xuất xã hội và kết quả tất yếu của tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Trong mấy chục năm qua, toàn cầu hóa đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như thúc đẩy tiến trình xóa đói giảm nghèo trong phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, toàn cầu hóa kinh tế cũng mang lại một số vấn đề mới.

Tăng trưởng và phân phối, vốn và lao động, hiệu quả và công bằng, những mâu thuẫn nội tại vốn có của kinh tế thị trường đã trở nên nổi bật hơn ở một số nước và cả trên toàn cầu.

Theo ông Chu Văn Trọng, nguyên nhân căn bản ở đây không chỉ nằm ở toàn cầu hóa, mà ở hệ thống quản trị toàn cầu đã lỗi thời.

Ông nói thêm rằng việc chống lại toàn cầu hóa chỉ làm trầm trọng thêm các bất ổn kinh tế toàn cầu.

Yao Zhizhong, Phó giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng cách thức một quốc gia đưa người dân và các ngành công nghiệp thích ứng với bối cảnh hiện tại sẽ quyết định sự hội nhập của họ với nước khác.

Theo ông, nhìn chung, toàn cầu hóa có lợi cho các nền kinh tế mới nổi, và tiến triển của nó sẽ phụ thuộc vào việc quản lý các tác động tiêu cực.

Theo báo cáo thường niên của BFA, làn sóng phản đối toàn cầu hóa đang gia tăng, và Đông Á đang “thụt lùi” trong hội nhập kinh tế.

Lin Guijun, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế châu Á trong thương mại và đầu tư đang giảm sút, với việc các nước đang rút khỏi việc hội nhập vào hệ thống sản xuất và tài chính. Theo ông Lin, rào cản lớn nhất đó là sự thiếu “tính cộng đồng”.

Theo ông Chu Văn Trọng, cuộc khủng hoảng tài chính gây hủy hoại nền kinh tế châu Á cách đây hai thập kỷ nên được coi là lời nhắc nhở rằng các cộng đồng trong khu vực nên hợp tác cùng nhau khi đối phó với khủng hoảng.

Ông Chu Văn Trọng cho rằng sự hợp tác và hội nhập khu vực hơn nữa sẽ giúp các nước châu Á đạt được các mục tiêu phát triển, và gọi BFA là nền tảng cho việc cân nhắc về con đường hội nhập của châu Á.

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu và những ý kiến trái chiều không thể đảo chiều tiến trình này.

Đây là quan điểm chung của các thành viên Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), được Chủ tịch Kim Lập Quần (Jin Liqun) nêu ra tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017.

Chủ tịch AIIB cũng đề cao tầm quan trọng của việc đối thoại với những bên nhận hỗ trợ tài chính trước khi quyết định triển khai một dự án nhằm tăng cường lợi ích cho người dân.

Theo ông, khi thúc đẩy dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, các nhà lãnh đạo AIIB có quan điểm phải đối thoại với chính phủ về cách thức đầu tư có thể mang lại lợi ích tối đa cho người dân.

Chủ tịch Kim Lập Quần cũng đề cập đến "tầm nhìn rộng lớn", theo đó, chú trọng tới các yếu tố kinh tế - xã hội toàn cầu trong thúc đẩy sự kết nối và thịnh vượng tại châu Á.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017 tập trung thảo luận cách thức để các nền kinh tế phát triển và đang phát triển thích nghi với toàn cầu hóa.

Theo báo cáo thường niên diễn đàn, trong bối cảnh chống toàn cầu hóa gia tăng, khu vực Đông Á đang chịu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế.

Sự độc lập của các nền kinh tế châu Á trong lĩnh vực thương mại và đầu tư đã giảm.

Tuy nhiên, bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính làm rung chuyển các nền kinh tế châu Á cách đây 2 thập kỷ đã nhắc nhớ rằng cộng đồng khu vực cần thống nhất để ứng phó với khủng hoảng.

Tăng cường hợp tác và hội nhập sẽ giúp các nước châu Á hoàn thành các mục tiêu phát triển của mình và Diễn đàn châu Á Bác Ngao là một nền tảng để thảo luận về con đường hội nhập của châu Á.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục