Điện mùa khô: Bài 2 - Tận dụng tối đa truyền tải cao

19:19' - 05/06/2016
BNEWS Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã truyền tải một lượng điện năng lớn từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam; trong đó truyền tải căng nhất là từ đoạn Hà Tĩnh, Đà Nẵng đến Pleiku.
Truyền tải một lượng điện năng lớn từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Ảnh: TTXVN

Năm nay, việc cung cấp điện cho miền Nam tiếp tục gặp khó khăn do phải truyền tải một lượng lớn điện  năng từ miền Bắc vào. Vì vậy, việc đảm bảo đủ điện cho miền Nam đồng nghĩa với hệ thống điện quốc gia có nguồn cung cấp đủ.

* Truyền tải một lượng điện năng lớn từ miền Bắc

Một trong những giải pháp không kém phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong suốt thời gian qua là Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã truyền tải một lượng điện năng lớn từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam; trong đó truyền tải căng nhất là từ đoạn Hà Tĩnh, Đà Nẵng đến Pleiku.
Ông Ngô Sơn Hải cho biết, ngay từ đầu năm, EVN đã chỉ đạo EVNNPT đưa vào vận hành các công trình để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho miền Nam như đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới tăng truyền tải từ Hà Tĩnh vào Pleiku; các công trình thay tụ bù dọc nâng khả năng tải các đường dây, nâng tải các đường dây 500kV Pleiku 2-Cầu Bông tăng truyền tải ở đoạn Trung Nam…
Nhiều công trình cấp bách cấp điện cho miền Nam do EVNNPT triển khai đã đóng điện theo đúng chỉ đạo của EVN, điển hình như Trạm 500 kV Pleiku 2. Theo ông Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, đây là dự án thi công rất khó, khối lượng công việc cực kỳ lớn.

Để dự án đóng điện đúng tiến độ là sự nỗ lực lớn của Tổng công ty, Ban quản lý Dự án công trình điện miền Trung và các nhà thầu trong việc kiểm soát, bám sát quá trình thi công từ việc cắt điện, tiến độ thi công đến việc cung ứng các vật tư, thiết bị.
Ông Nguyễn Tuấn Tùng cũng cho biết, đường dây 220 kV Xekaman 1 - Pleiku 2 cũng vừa hoàn thành đóng điện phần trên lãnh thổ Việt Nam và đang chờ đấu nối từ nước bạn Lào.

Việc đưa vào vận hành đường dây này sẽ bổ sung 300 MW điện cho miền Nam, đây là một giá trị đáng kể, nhất là trong mùa khô hạn này. Cùng với đó, một loạt trạm 220 kV nâng công suất ở phía Nam từ 125 MVA lên 250 MVA đang bám sát tiến độ được giao. EVNNPT đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án khác, đặc biệt là đường dây 500 kV Duyên Hải - Mỹ Tho.
“Mặc dù dự án đang phải đối mặt với những khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng Tổng công ty đang nỗ lực hoàn thành dự án trong tháng 6 này để giải phóng công suất cho cụm nhiệt điện Duyên Hải”, ông Tùng chia sẻ.
* Ưu tiên nguồn nước cho chống hạn
Năm nay cũng là năm các nhà máy thủy điện thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên do El Nino, nước về các hồ thủy điện kém nên không đảm bảo mức nước theo quy trình đã được phê duyệt, vì vậy, UBND các địa phương đã có văn bản vận hành các hồ chứa bất thường, với lưu lượng nước xả ra phải thấp hơn theo quy định.

Ưu tiên nguồn nước cho chống hạn. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Mặc dù vậy, theo các yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cung cấp nước cho chống hạn và sinh hoạt cho các địa phương hạ du thì EVN vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước và ưu tiên nguồn nước cho chống hạn ở hạ du.
“EVN phối hợp với các tỉnh điều tiết vận hành mực nước còn lại trong hồ xả về hạ du, lượng nước xả ra bao nhiêu do UBND các tỉnh yêu cầu trên cơ sở phối hợp chặt với các chủ hồ dựa trên tính toán mực nước thực tế về hồ, lượng nước còn lại trong hồ.

Về phía Tập đoàn căn cứ theo lưu lượng nước đã thỏa thuận đó để xả theo đúng yêu cầu của tỉnh nhằm đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, các địa phương cũng sử dụng nước hiệu quả trong suốt mùa khô này”, ông Hải cho biết thêm.
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cũng cho biết, hiện sản lượng các thủy điện đã giảm rất nhiều, thậm chí nhiều nhà máy thủy điện phải tách khỏi thị trường điện, dừng hoạt động hoàn toàn để xả nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.
“Chúng tôi đã làm việc với một số tỉnh chịu ảnh hưởng khô hạn, bây giờ hồ nước thủy điện có chừng này thì phải tính toán thế nào để đến cuối mùa khô còn có nước sử dụng. Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà máy điện phát thế nào thì phát nhưng phải đảm bảo được nước về hạ du”, ông Phúc nói.

Xem thêm:

>> Điện mùa khô: Bài 1 - Sẵn sàng các phương án

>> Điện mùa khô: Bài 3 - Chuẩn bị cả phương án cực đoan

>> Lịch cắt điện hôm nay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục