Điều tra, giải quyết dứt điểm vụ 8 hộ dân bị lừa chuyển nhượng quyền sử dụng đất

16:02' - 19/04/2018
BNEWS Qua thông tin vụ việc, cơ quan chức năng huyện Đăk Đoa đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong việc vay mượn nguồn vốn đầu tư sản xuất.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của một số hộ đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.

Gần đây nhất, các đối tượng này đã lừa 8 hộ sinh sống trên địa bàn hai huyện Đăk Đoa và Chư Sê chuyển nhượng 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang tên mình rồi vay ngân hàng với số tiền lớn hơn số tiền đã cho các hộ dân vay.

Đến hạn trả nợ ngân hàng cũng như thời hạn trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, các đối tượng này đã trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Sau khi bị phát giác, các đối tượng này đã trốn khỏi địa phương, gây khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan chức năng.

Cụ thể, từ tháng 5-10/2015, do thiếu vốn đầu tư sản xuất và không nắm rõ các thủ tục vay vốn ngân hàng nên 8 hộ dân, gồm: RaHlan Huynh, Rlan Hyôl, RaHlan Hlih (cùng trú tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) và Byinh, Phăn, Win, Quơr, Byech (cùng trú tại xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa) đã đến gặp bà Nguyễn Thị Đây (sinh năm 1976, trú tại Thôn 10, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) để nhờ hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Bà Đây đã kết nối, giới thiệu họ đến gặp bà Hồ Thị Thu Thanh (sinh năm 1982, trú tại 22/6 Trần Quý Cáp, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Sau khi gặp, bà Thanh tự giới thiệu mình là cán bộ ngân hàng và có khả năng làm thủ tục giúp các hộ dân tộc thiểu số vay vốn ngân hàng bằng cách thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tin lời bà Thanh, 8 hộ này đã công chứng chuyển 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang tên cho vợ chồng bà Hồ Thị Thu Thanh, ông Trần Xuân Kiên và bà Võ Thị Hồng Vân (mẹ của bà Thanh).

Sau khi nhận chuyển nhượng từ các cá nhân trên, bà Thanh đã tiến hành thế chấp các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai và cho 6 cá nhân gồm: RaHlan Huynh, Rlan Hyôl, RaHlan Hlih, Byinh, Phăn, Win vay lại số tiền 860 triệu đồng.

Với trường hợp ông Byech và ông Quơr, bà Thanh yêu cầu sang tên hai thửa đất của hai cá nhân này cho bà Võ Thị Hồng Vân (mẹ bà Thanh). Tuy nhiên, sau khi chuyển nhượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Vân, bà Thanh không cho ông Byech, ông Quơr vay tiền như thỏa thuận và cũng không chuyển trả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Byech và ông Quơr.

Chị Ponh, vợ anh Win (một trong những nạn nhân bị bà Thanh lừa), trú ở làng Nglơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa cho biết: “Khi giao tiền, bà Thanh có viết biên bản thỏa thuận với nội dung là gia đình tôi vay của bà Thanh khoản tiền 250 triệu đồng, trong thời hạn 2 năm, với lãi suất 0,8%, đến thời hạn trên nếu chúng tôi trả hết tiền gốc và lãi như thỏa thuận, bà Thanh có nghĩa vụ chuyển trả quyền sử dụng đất cho gia đình tôi. Đến kỳ hạn, chúng tôi tìm gặp bà Thanh để trả lại tiền và yêu cầu chuyển nhượng lại bìa đỏ thì không liên lạc được với bà Thanh”.

Tháng 10/2017 là đến hạn ghi trong biên bản thỏa thuận, nhiều hộ dân đến tìm bà Thanh yêu cầu chuyển nhượng trả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bà Thanh trốn tránh không chịu trả.

Cũng tại thời điểm trên, do bà Thanh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định nên các ngân hàng khởi kiện dân sự. Cục thi hành án dân sự thành phố Pleiku thực hiện kê biên đấu giá, thu hồi nợ cho ngân hàng.

Khi biết bà Thanh đã sử dụng các thửa đất mà các hộ dân trên chuyển cho mình thế chấp vào ngân hàng để vay khoản tiền lớn hơn khoản tiền cho các hộ dân trên vay, 8 hộ dân này đã đồng loạt làm đơn tố giác hành vi của bà Hồ Thị Thu Thanh.

Việc kê biên, đấu giá tài sản của ngân hàng bị tạm dừng vì các hộ dân phản đối, tố giác bà Thanh có hành vi lừa đảo họ. Bà Thanh đã rời khỏi nơi cư trú nhiều tháng qua.

Anh Phăn ở làng O Deh, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa, một trong những nạn nhân bị bà Thanh lừa chuyển nhượng gần 1 ha đất nông nghiệp cho biết: “Khi đưa vợ chồng tôi ra văn phòng công chứng, tôi đọc văn bản và hỏi bà Thanh có phải bán đất không.

Bà Thanh nói không phải bán, chỉ là chuyển nhượng tạm thời để thuận tiện trong công tác vay ngân hàng. Nhưng sau 2 năm tôi đã chuẩn bị đủ 200 triệu đồng tiền gốc để trả cho bà Thanh, tìm đến địa chỉ nhà do bà Thanh cung cấp không gặp được và liên lạc điện thoại cũng không được. Biết có nhiều người cũng bị lừa nên chúng tôi đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của bà Thanh”.

Qua thông tin vụ việc, cơ quan chức năng huyện Đăk Đoa đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong việc vay mượn nguồn vốn đầu tư sản xuất.

Ông Lương Nam Xuất Thế, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đăk Đoa cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến đồng bào dân tộc bị các đối tượng lừa đảo sang nhượng, chuyển quyền sử dụng đất là do nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất cao.

Cùng với đó, nhiều hộ không đáp ứng được các điều kiện thủ tục vay vốn tại các ngân hàng nên phải nhờ đến các đối tượng trung gian. UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo tăng cường tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng trên.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng thụ lý hồ sơ, điều tra, giải quyết. Tuy nhiên, các cấp, các ngành của tỉnh Gia Lai cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao dân trí của người dân trong việc cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo trong vùng đồng bào dân tộc; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Các ngân hàng cần có hướng giải quyết phù hợp đối với các hộ thực sự có nhu cầu vay vốn để người dân tiếp cận vốn chính sách một cách thuận lợi.

Theo báo cáo của Công an huyện Đăk Đoa, địa bàn huyện hiện có 203 hộ dân tộc vay tiền, thế chấp dưới hình thức chuyển nhượng đất, mua nợ hàng hóa lãi suất cao với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục